Ca sĩ Mạnh Quỳnh mang 2 dòng máu Mỹ Việt – giọng hát nặng tình quê hương

Mang hai dòng máu Mỹ – Việt, nam ca sĩ sinh năm 1971 trải qua tuổi thơ vắng tình thương cha mẹ để rồi nỗi buồn ấy thấm vào tiếng hát của anh như định mệnh.

Mạnh Quỳnh đang cùng ê-kíp tập luyện chuẩn bị cho liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát ở TP HCM vào tối 16/4. Sau hơn hai thập kỷ xa quê sang Mỹ định cư, Mạnh Quỳnh lần đầu tiên quay về nước thực hiện chương trình ca nhạc lớn.

Người hát nhạc buồn

Năm 1992, gần 20 tuổi, Mạnh Quỳnh rời Sài Gòn sang Mỹ định cư cùng mẹ. Khoảng ba năm đầu ở đất khách quê người, chưa bao giờ Mạnh Quỳnh nghĩ có ngày anh sẽ đứng trên sân khấu biểu diễn và được khán giả yêu thích như ca sĩ của dòng nhạc quê hương, nhạc trữ tình. Suy nghĩ thường trực trong lòng chàng trai đặt chân lên đất Mỹ là làm sao kiếm được nghề ổn định để có thể tự nuôi bản thân và chăm sóc mẹ.

Ngày còn trong nước, Mạnh Quỳnh yêu thích ca hát, bên cạnh việc học ở trường, anh tìm đến học cổ nhạc với thầy Ngọc Ẩn ở gần nhà. Sang Mỹ, không ngờ nền tảng từ những bài học hát cải lương ngày xưa giúp anh có chỗ “dụng võ”. Một lần tình cờ hát góp vui tại đám cưới của bạn bè, Mạnh Quỳnh được mọi người khuyến khích thu âm vài nhạc phẩm gửi đến trung tâm ca nhạc. Anh được mời ký hợp đồng và con đường ca hát mở ra từ đó.

manh-quynh-tuoi-tho-buon-va-giong-hat-nang-tinh-que-huong

Ca sĩ Mạnh Quỳnh thời kỳ đầu đi hát.

Tự nhận mình rất mê danh ca Thái Châu, Tuấn Vũ, Chế Linh, Mạnh Quỳnh vẫn biết giữ cho mình màu sắc riêng. Anh có chất giọng nhẹ nhàng, sâu lắng, đượm nỗi buồn sầu man mác, phảng phất như lời thủ thỉ, tự tình. Ở hải ngoại, chất giọng và phong cách biểu diễn giản dị của Mạnh Quỳnh khiến cho khán giả của anh – vốn mang tâm trạng của người xa xứ – đồng cảm với các ca khúc do anh trình diễn: Tâm sự người hát nhạc buồn, Số nghèo, Cát bụi tình đời, Tình nghèo, Hình bóng quê nhà, Chuyến xe lam chiều

Trong 20 năm ca hát ở hải ngoại, Mạnh Quỳnh xuất hiện trên rất nhiều băng đĩa. Hầu như trung tâm âm nhạc nào ở hải ngoại cũng có sự tham gia ít, nhiều của anh. Dù nghệ sĩ hát nhạc quê hương, trữ tình được khen hay không thiếu, nam ca sĩ sinh năm 1971 vẫn để lại một dấu ấn sâu đậm. Hầu hết nhạc phẩm Mạnh Quỳnh trình diễn đều nói về chuyện tình yêu tan vỡ, về những giấc mơ dở dang, kiếp người phù du, nỗi nhớ quê hương da diết, về những con người thua thiệt, nghèo khó… Các bài hát ấy gửi gắm lòng nhân nghĩa, tình yêu thương, chữ tín trong cuộc đời.

Khoảng cuối năm 1999 đầu năm 2000, trong đĩa nhạc Giã từ thế kỷ, lần đầu tiên Mạnh Quỳnh song ca với Phi Nhung nhạc phẩm Dù anh nghèo.Sự hòa hợp trong phong cách biểu diễn bình dân, tự nhiên và chất giọng trữ tình của hai nghệ sĩ giúp họ trở thành “đôi song ca vàng” của làng nhạc trữ tình suốt một thập kỷ.

manh-quynh-tuoi-tho-buon-va-giong-hat-nang-tinh-que-huong-1

Đôi bạn Mạnh Quỳnh và Phi Nhung đều mang dòng máu lai Việt – Mỹ.

Tuổi thơ vắng bóng cha và người mẹ vất vả mưu sinh

Trong các cuộc trò chuyện, Mạnh Quỳnh có thể khiến người khác bật cười vì sự thân thiện, hài hước. Nhưng khi nhắc đến tuổi thơ vắng bóng cha, nam ca sĩ chùng giọng, mắt không giấu được nỗi buồn. Cha của Mạnh Quỳnh là một quân nhân Mỹ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Mạnh Quỳnh chào đời, người cha Mỹ của anh bị mất tích. Mẹ Mạnh Quỳnh ngược xuôi, tảo tần nuôi anh. Vì cuộc sống khó khăn, Mạnh Quỳnh được gửi về quê ở với ông bà suốt 15 năm tuổi thiếu thời.

Tuổi thơ trong nam ca sĩ là chuỗi dài dằng dặc của nỗi nhớ xen lẫn tủi buồn. Những chiều tan học về, nhìn bạn bè có cha mẹ đứa rước, cậu bé Mạnh Quỳnh phải cố gồng mình quay đi giấu nước mắt. “Mẹ rất thương tôi nhưng bà phải xa tôi vì mưu sinh. Còn với cha, tôi chưa kịp có dấu ấn gì về ông. Đó là một nỗi hụt hẫng, một khoảng trống quá lớn trong lòng tôi ngày nhỏ”, Mạnh Quỳnh tâm sự.

Tình thương yêu vô bờ bến mà ông bà dành cho Mạnh Quỳnh chính là điểm tựa để anh vượt qua tuổi thơ mất mát. Nhà ông bà không đến nỗi “nghèo rớt mùng tơi” nhưng cũng chỉ vừa đủ ăn. Ông bà dồn hết sự chăm lo, nuôi nấng, dạy dỗ cho đứa cháu côi cút được học hành đàng hoàng. Cuộc sống ở quê để lại trong nam ca sĩ nhiều ký ức đẹp: đó là những lời dạy dỗ về cách sống nhân nghĩa ở đời, là mỗi tối được nghe ông bà kể chuyện đời xưa, đọc ca dao tục ngữ, là những buổi chiều mưa đi câu cá với lũ bạn, những lần ngồi trú mưa dưới cội bằng lăng già sẫm màu tím chiều buông…

Từ rất sớm, Mạnh Quỳnh đã biết tư lự, biết suy ngẫm về lẽ phải trái ở đời. Anh bắt đầu làm thơ. Những bài thơ chép tay dày kín trang giấy học trò được anh gửi vào đó những tâm sự, nỗi buồn, suy nghĩ. Sau này khi sang Mỹ, Mạnh Quỳnh không chỉ ca hát mà còn sáng tác ca khúc. Nhiều ca khúc của anh được anh phổ lại từ những bài thơ chép tay trong sổ học trò ở quê nhà ngày nào, như các bài: Tâm sự người hát nhạc buồn, Hạnh phúc đơn sơ…

manh-quynh-tuoi-tho-buon-va-giong-hat-nang-tinh-que-huong-2

Ca sĩ Mạnh Quỳnh bên vợ và hai con trai ở Mỹ.

20 năm hòa nhập vào cuộc sống ở một đất nước phát triển, chất quê hương không một chút phôi pha ở Mạnh Quỳnh. “Một lần, trong một chương trình ca nhạc, tôi nói đùa với người MC: qua Mỹ 10 năm tiếng Anh không nói được bao nhiêu nhưng tiếng Việt quên gần hết. Không ngờ khán giả phật lòng với câu nói này, họ trách móc quá trời khiến tôi phải lên tiếng giải thích. Tôi thấy mình trước sau vẫn vậy, không có thay đổi đáng kể. Tôi thích sống thật, không bon chen để nổi tiếng, gặp ai cũng vui vẻ, hòa đồng”, anh tâm sự.

Hiện tại, Mạnh Quỳnh sống bên vợ và hai con trai ở tiểu bang Oregon, Mỹ. Nam ca sĩ đùa anh đã qua thời phát triển nhất của sự nghiệp, thời mà anh và Phi Nhung cùng chạy show mệt đến “bở hơi tai”. Khoảng năm năm qua, anh hoạt động tự do và dành nhiều thời gian cho vợ con. Sau những lần đi diễn, anh lại quay trở về làm người đàn ông của gia đình với cuộc sống bình dị.

Ngày 6/4 vừa qua, tại buổi họp báo về chương trình liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát, Mạnh Quỳnh rơi nước mắt chia sẻ lý do anh quay về TP HCM tổ chức đêm nhạc. Anh nói: “Có một vài trung tâm lớn ở hải ngoại sẵn sàng đứng ra tổ chức show cho tôi. Nhưng với chương trình này, tôi muốn quay về quê nhà để tổ chức thì mới thật sự ý nghĩa. Dù sống ở đâu, con người ta cũng phải nhớ về cội nguồn”.

Leave a Reply