Vì sao thời gian trôi nhanh hơn khi về già?

Dù bạn có vui thích hay không, luôn có những lí do về thể chất và tâm lý khiến bạn cảm thấy thời gian dường như trôi nhanh hơn khi mình già đi.

lão hóa, thời gian, thể chất, tâm lý

Hiện tượng trên xảy ra với hầu hết chúng ta vì nhiều căn nguyên. Trước hết, đó là do “sự tạo thành tập tính”, như cách gọi của các nhà tâm lý học.

Vì mục đích tốt đẹp, bộ não của chúng ta muốn bảo tồn năng lượng (so với các động vật khác, bộ não của người sử dụng rất nhiều calo để vận hành). Do đó, một khi chúng ta quen với cái gì đó – một chu trình hoạt động, chẳng hạn như rửa bát hoặc trang điểm vào buổi sáng – chúng ta bắt đầu thực hiện nó một cách tự động và ngưng nhận ra nhiều thứ nhỏ bé khác khiến ngày này khác biệt với ngày khác. Điều này làm cho thời gian dường như trôi nhanh hơn nhiều, vì ít các thời khắc độc nhất vô nhị được bộ não ghi lại hơn.

Khi chúng ta còn nhỏ, mọi thứ đều mới mẻ và hầu hết các ngày là một trải nghiệm học hỏi. Do đó, bộ não của chúng hiếm khi ở chế độ “tự động” và chúng ta chú ý nhiều hơn đến từng khoảnh khắc, dẫn đến hiện tượng thời gian dường như trôi chậm hơn. Nhưng khi lớn tuổi hơn và già đi, con người không còn cảm thấy nhiều điều mới mẻ như xưa.

Ngoài ra, theo một báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Attention, Perception, and Psychophysics năm 2013, còn có các lí do về thể chất khiến cảm nhận về thời gian của chúng ta thay đổi: lượng dopamine giảm xuống và nhịp tim thay đổi theo tuổi tác.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dù không thể thay đổi nhiều các khía cạnh sinh học của quá trình lão hóa, chúng ta có thể khiến bản thân rời khỏi chu trình làm việc khuôn mẫu và “làm chậm lại” thời gian khi muốn, bằng cách áp dụng một vài kỹ thuật sau:

Tăng các trải nghiệm hàng ngày: Bất cứ điều gì khiến bạn thích thú khoảnh khắc nào đó, hãy cố khai thác nó hơn nữa. Chẳng hạn như, chơi với con cái một cách tập trung, không phân tán bởi những vướng bận khác, tự mình nấu một bữa ăn từ đầu hay ngồi nghe một bản nhạc mà không làm bất kỳ thứ gì khác, kể cả dọn dẹp hay đọc sách, … sẽ giúp bạn tạo thành các ký ức mới và làm chậm thời gian.

Làm những việc mới: Hãy nhớ rằng, các thói quen hoặc lịch trình quen thuộc sẽ khiến thời gian trôi nhanh hơn. Vì vậy, bạn hãy làm điều gì đó mới mẻ, đột ngột làm thay đổi những gì quen thuộc. Chẳng hạn như dậy sớm vào buổi sáng và tự mình nấu ăn sáng, thay vì ngủ nướng và cuống cuồng phi tới cơ quan; không xem tivi, mà thay vào đó đọc sách hoặc viết lách trước khi lên giường, …

Từ bỏ thói quen làm nhiều việc cùng lúc: Không tập trung vào một nhiệm vụ là cách dễ dàng nhất để đánh mất thời gian. Nếu bạn vừa dọn rửa bát, vừa giúp con làm bài tập hoặc trò chuyện với bạn bè, bạn có thể không nhớ đã làm bất kỳ việc gì trong số đó. Hãy thử chỉ làm một việc trong một thời khắc và xem cách bạn ghi nhớ nó vào ngày hôm sau. Điều này có thể đòi hỏi sự tập luyện nếu bạn đang quen với thực hiện nhiều việc cùng lúc.

Tuấn Anh (Theo Mother Nature Network)

Leave a Reply