Tranh cãi về việc phát hành phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể”

Từ âm nhạc, truyền hình, thời trang và đến nay là thị trường phim điện ảnh, có thể thấy sự xâm lược về văn hoá, mặc dù âm thầm nhưng sức ảnh hưởng là không thể coi nhẹ.


LTS: Xung quanh những tranh cãi về việc phát hành bộ phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể”, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây như một góc nhìn tham chiếu. Mời độc giả cùng thảo luận.

Từ những căng thẳng về doanh thu

Từ lâu, mối quan hệ tương sinh lẫn tương khắc của các nhà phát hành phim trong nước vẫn đang ngầm diễn ra với mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng, chỉ đến khi bộ phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” của VAA, đại diện là Ngô Thanh Vân xuất hiện, nó mới trở thành giọt nước làm tràn ly khi VAA và BHD (đơn vị phát hành chính của phim) quyết không nhún nhường trước mức chèn ép doanh thu từ đơn vị sở hữu nhiều cụm rạp nhất hiện nay là CGV (thuộc tập đoàn CJ, Hàn Quốc).

Theo thông cáo báo chí gởi đi từ phía BHD, mặc dù từ ngày 12.08.2016, đại diện của CGV đã từ chối hợp tác do không đạt được các thoả thuận về doanh thu, nhưng BHD vẫn chưa thông báo rộng rãi chuyện này ra ngoài với thiện chí vẫn muốn chờ đợi sự thay đổi từ đối tác của mình.

Nhưng sau đó, đến ngày họp báo ra mắt phim, 17.08.2016, đại diện cho VAA, Ngô Thanh Vân đã bày tỏ tiếc nuối khi không thể công chiếu rộng rãi bộ phim đầu tay làm đạo diễn trên hệ thống của CGV được. Điều này có thể bất lợi, nhưng không lạ, vì trước đó, cũng bằng hình thức không nhượng bộ về doanh thu, CGV đã từ chối hai phim bom tấn của Galaxy là “X-Men: Appocalypse” và “Independence day 2”.

Điều này cho thấy, với thế mạnh về số lượng rạp chiếm khoảng 40% thị trường hiện tại, làm việc với CGV chưa bao giờ là điều dễ dàng cho các nhà phát hành Việt Nam.

Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Rạp chiếu phim, Ngô Thanh Vân, CGV,
Những trục trặc xunh quanh việc phát hành “Tấm Cám – chuyện chưa kể” chỉ là giọt nước tràn li

Đến thế độc quyền phát hành phim Việt

Viễn cảnh dễ thấy nhất của việc CGV không nhượng bộ về doanh thu với các nhà phát hành Việt chính là dẫn đến thế độc quyền phát hành về phim Việt khi các nhà sản xuất phim đều phải đắn đo việc nếu phát hành ở một nơi khác, không phải CGV thì doanh thu của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này thể hiện khá rõ khi trong nửa đầu năm nay, số lượng phim Việt của CGV nhận phát hành là 8 phim, trong đó có một số phim không đạt doanh thu đúng kỳ vọng như “Bao giờ có yêu nhau” hay “Fan cuồng” mặc dù CGV cũng đã đẩy mạnh về truyền thông và suất chiếu cho cả hai phim.

Từ việc độc quyền phát hành, CGV còn giữ thế thượng tôn để thoả thuận các các khoản ăn chia với các nhà làm phim trong nước, khi phần lớn hơn vẫn đang nằm về phía họ. Theo nhiều nguồn tin cho biết, một bộ phim khác đã từng từ chối hợp tác với CGV khi đơn vị này muốn có mức ăn chia lợi nhuận là 70/30 về phần mình, trong khi các nhà phát hành khác luôn để tỷ lệ là 50/50. Đồng thời cộng thêm việc áp đặt doanh thu với các cụm rạp trong nước theo tỷ lệ không khoan nhượng, có thể thấy CGV đang giữ chiếu trên với cả thị trường điện ảnh Việt.

Từ đây, có thể thấy, một khi đơn vị cụm rạp nước ngoài chiếm thế độc quyền phát hành phim Việt Nam, khoan bàn đến chuyện có thật sự thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà đi lên không, chỉ tính về lợi nhuận, đã là một bài toán nhìn vào cũng thấy ngay đâu là người có lợi nhất.

Và cuối cùng là ấn định văn hoá

Năm qua, bộ phim thành công nhất về doanh thu lẫn truyền thông của điện ảnh Việt là “Em là bà nội của anh”, nhưng điều đáng tiếc nhất của bộ phim này chính là nó không hoàn toàn thuần Việt như chúng ta vẫn tưởng.

Mang thân phận là bộ phim chuyển thể từ điện ảnh Hàn Quốc, từ kịch bản, nội dung, góc máy, tranh phục cho đến các bối cảnh trong phim đều được ấn định theo một khung nhất định theo chuẩn Hàn Quốc và đó là lý do vì sao Cục Điện Ảnh quyết định từ chối việc cho bộ phim này tham gia tranh giải Cánh Diều Vàng. Điều này có thể trong giai đoạn nhất thời có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng về lâu dài và nhìn xa hơn thì đây cũng là một cách để bảo vệ cho những bộ phim mang hơi thở thuần Việt.

Một hoàn cảnh khác có thể lưu ý là bộ phim “Vợ ơi, em ở đâu” của ca sĩ Thuỷ Tiên đầu tư sản xuất, phía CGV từ chối nhận phát hành bộ phim này vì ngay từ đầu không thể tham gia vào định hướng, chỉnh sửa kịch bản, cuối cùng khi Galaxy quyết định phát hành bộ phim này thì phía CGV cho rằng phim không đạt chất lượng nên từ chối nhận chiếu.

Vì vậy, về lâu dài có thể thấy được nếu muốn được phát hành ở CGV, các nhà làm phim Việt phải đảm bảo rằng ngay từ khâu kịch bản đã phải được duyệt và có nhiều sự đóng góp của đơn vị Hàn Quốc.

Đã đến lúc cần một sân chơi công bằng hơn

Nền điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc cần phải được phát triển theo từng bước tiến cẩn trọng. Trước đây, ngay tại Hàn Quốc, để cạnh tranh với Hollywood, chính phủ nước này đã ra những chính sách bảo hộ nền điện ảnh nước nhà, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân đã có những bước tiến và hình thành thế mạnh như hiện tại.

Hiện nay, cùng lời nói “Phát triển điện ảnh Việt”, không thể phủ nhận rằng CGV đã xây dựng nhiều phòng chiếu tốt và có số lượng rạp ấn tượng trải dài cả nước. Tuy nhiên, nếu thế bất cân bằng như hiện tại, liệu các nhà làm phim và phát hành trong nước có được một sân chơi công bằng để sáng tạo?

Từ âm nhạc, truyền hình, thời trang và đến nay là thị trường phim điện ảnh, có thể thấy sự xâm lược về văn hoá, mặc dù âm thầm nhưng sức ảnh hưởng là không thể coi nhẹ.

Việt Dũng

Leave a Reply