Thầy giáo Hàn Quốc 4 triệu USD

Học sinh Hàn Quốc luôn nắm giữ một trong những thứ hạng cao nhất thế giới và đội ngũ giáo viên của họ có thể kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm. Nước Mỹ có thể học được gì từ cường quốc giáo dục này?

Kim Ki-hoon kiếm được khoảng 4 triệu đô la mỗi năm ở Hàn Quốc – nơi mà anh được biết đến như một thầy giáo “sao nhạc rock” – một cách ghép từ của người Hàn, hiếm gặp ở các quốc gia khác.

Thầy Kim đã có kinh nghiệm đứng trên bục giảng hơn 20 năm ở những trường tư nhân, hoạt động sau giờ học chính khóa.

Những ngôi trường này được người Hàn Quốc gọi là “hagwon”. Không giống như hầu hết các giáo viên khác trên thế giới, thầy Kim được trả lương theo nhu cầu của học sinh và hiện giờ anh là người đang được nhiều học sinh theo học.

Hàn Quốc, giáo dục, giáo viên, triệu phú, năng lực, dạy kèm, trường công
Thầy Kim Ki-Hoon – một trong những giáo viên kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm

Thầy Kim – một giáo viên tiếng Anh – làm việc khoảng 60 giờ mỗi tuần, mặc dù chỉ dành khoảng 3 giờ để giảng bài. Giờ học của thầy được ghi lại bằng video, và Internet đã biến những đĩa video ấy trở thành hàng hóa, được bán trực tuyến với mức giá 4 đô la một giờ. Anh dành gần như cả tuần để trả lời trực tuyến những thắc mắc của học sinh, phát triển kế hoạch bài giảng và viết sách giáo khoa, sách bài tập đi kèm.

“Tôi làm việc càng chăm chỉ thì tôi kiếm được càng nhiều tiền” – thầy Kim chia sẻ. “Tôi thích điều đó”.

Tôi đã tới Hàn Quốc để tận mắt chứng kiến thị trường tự do cho những người thầy tài năng này – một điểm dừng trong tour du lịch vòng quanh thế giới của tôi để khám phá điều mà nước Mỹ có thể học tập từ các siêu cường quốc khác trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục.

Một phần là nhờ những dịch vụ dạy kèm như thế này, Hàn Quốc đã cải thiện được đáng kể hệ thống giáo dục của mình trong vài chục năm qua và hiện đang vượt mặt nước Mỹ. Cách đây 60 năm, hầu hết người Hàn Quốc mù chữ. Còn bây giờ, trẻ 15 tuổi của Hàn Quốc xếp thứ 2 thế giới trong môn Đọc – sau Thượng Hải. Quốc gia này hiện có tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao chót vót – 93%, trong khi Mỹ chỉ có 77%.

Dịch vụ dạy kèm đang ngày càng phát triển trên toàn cầu, từ Ireland tới Hồng Kông, thậm chí là vùng ngoại ô California và New Jersey. Đôi khi bị gọi là “hệ thống giáo dục trong bóng tối”, các dịch vụ dạy kèm phản ánh hệ thống giáo dục chính thống. Nó cung cấp những giờ học ngoài giờ chính khóa ở tất cả các môn học. Tất nhiên là phải mất phí. Tuy nhiên, hiện chưa có quốc gia nào có một hệ thống “hagwon” xuất sắc và áp đảo như ở Hàn Quốc – nơi mà các giáo viên dạy kèm còn đông đảo hơn cả đội ngũ giáo viên dạy trong trường.

Quan sát kỹ hơn, hệ thống giáo dục bóng tối này vừa có sự thú vị riêng, lại vừa đáng lo ngại.

Nó thúc đẩy những nỗ lực và sự sáng tạo giữa học sinh và cả giáo viên. Nó giúp Hàn Quốc trở thành một siêu cường quốc về giáo dục.

Nhưng nó cũng khiến giáo dục trở thành một cuộc đấu giá. Những gia đình giàu có nhất sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất, đó là chưa kể đến những ảnh hưởng tới tâm lý học sinh.

Theo hệ thống này thì học sinh cần phải tới trường 2 lần mỗi ngày. Một lần là học chính khóa vào ban ngày, còn một lần khác là vào buổi tối ở các trường dạy kèm. Đó là một guồng quay không ngừng.

Phần lớn thu nhập của thầy Kim tới từ 150.000 học sinh theo dõi trực tuyến bài giảng của anh. (Hầu hết đều là những học sinh phổ thông muốn tăng điểm số trong bài thi tựa như bài thi SAT). Thầy Kim là một giáo viên có thương hiệu. Anh phải thuê 30 người để hỗ trợ công việc giảng dạy của mình và điều hành một công ty chuyên xuất bản những cuốn sách do chính anh viết.

Nếu gọi công việc này là dạy kèm thì chưa tương xứng với quy mô và độ phức tạp của nó.

Megastudy – ngôi trường dạy kèm trực tuyến mà anh Kim đang làm việc được niêm yết tại sàn chứng khoán Hàn Quốc. Gần ¾ trẻ Hàn Quốc theo học ngôi trường này. Năm 2012, bố mẹ chúng đã chi hơn 17 tỷ đô la vào những dịch vụ này. Trong khi đó, năm 2012, người Mỹ chi hơn 15 tỷ đô la vào video game – theo thống kê của công ty nghiên cứu NPD Group. Thị trường giáo dục Hàn Quốc sinh lợi nhuận nhiều tới mức thu hút được cả sự đầu tư của các công ty lớn như Goldman Sachs, Carlyle Group và A.I.G.

Thật thú vị khi được gặp thầy Kim – một giáo viên kiếm tiền ngang với những vận động viên chuyên nghiệp ở Mỹ. Một người Mỹ có tham vọng và khả năng có thể trở thành một ông chủ ngân hàng hoặc một luật sư, nhưng ở Hàn Quốc anh ta sẽ là một giáo viên và sẽ trở nên giàu có.

Ý tưởng này thật hấp dẫn: Dạy tốt thật là khó, vậy tại sao không làm cho việc đó trở nên hấp dẫn? Ngay cả khi các trường học Mỹ sẽ không bao giờ giúp cho các giáo viên trở thành triệu phú thì vẫn nên học hỏi một số điều từ nền giáo dục đang phát triển nhanh chóng này, những bài học về cách tạo động lực cho giáo viên, cách thu hút phụ huynh, học sinh, và cách thích nghi với một thế giới đang thay đổi hằng ngày.

Để tìm được những giáo viên “hot” như thầy Kim, các giám đốc hagwonphải lùng sục trên Internet, đọc nhận xét từ phía phụ huynh và xem bài giảng của các giáo viên. Những hagwon đối thủ của nhau thường tìm cách lôi kéo các giáo viên giỏi của đối thủ. “Những giáo viên thực sự giỏi rất khó giữ chân. Bạn phải bảo vệ cái tôi của họ” – bà Lee Chae-yun, chủ sở hữu một chuỗi 5 hagwon ở Seoul có tên là Myungin Academy chia sẻ.

Phần 2: Giáo viên 4 triệu USD, những khác biệt.

Bài viết của tác giả Amanda Ripley, đăng tải trên trang Wall Street Journal.

  • Nguyễn Thảo (dịch)

Leave a Reply