Phân Nửa Những Lời Khuyên Về Y Khoa Của Bác Sĩ Oz Là Vô Căn Cứ

Sự kiện bác sĩ Oz là một nhân vật nổi tiếng là điều dễ hiểu, bởi vì chương trình “talk-show” của ông được rất nhiều người ưa thích.

Người ta gọi ông là “vị lương y Số Một của Mỹ” vì ông dùng phương pháp dễ hiểu để nói về những vấn đề y học, bệnh tật. Y khoa là một đề tài hết sức phức tạp, nhưng đối với Bác Sĩ Oz thì chẳng có gì là khó hiểu cả, ông làm cho hàng triệu người say mê theo dõi chương trình giảng giải về y tế của ông. Ông hay dùng những chữ như “thần dược”, “nhiệm mầu” và “bộc phá.”. Người xem rất thích, cứ đòi nghe ông nói nữa.

Tuần báo The New Yorker phỏng vấn một khán giả nói về chương trình Talk Show của ông như sau: “Tám năm nay tôi chưa hề gặp bác sĩ. Tôi sợ đi gặp bác sĩ lắm. Ông Oz là người bác sĩ duy nhất tôi tin tưởng.”.

Phải chăng những khán giả này đã đặt lòng tin không đúng chỗ ? Hay chính ông bác sĩ Oz chẳng qua chỉ là một người bán dạo, quảng cáo cho vài loại thuốc giảm cân, và gọi đó là thần dược? Hay chúng ta nên coi chương trình của ông là trò giải trí mà thôi?

Mấy tháng gần đây bác sĩ Oz bị soi mói, cật vấn liên tục. Hồi tháng Sáu, ông bị lôi ra trước phiên điều trần của Thượng Viện Hoa Kỳ, bà Thượng Nghị Sĩ Claire McCaskil, Dân Chủ, tiểu bang Missouri, mắng ông khá nặng lời. Bà bảo ông đã cho thiên hạ những hy vọng giả dối, và chỉ trích chương trình Talk-Show của ông là toa thuốc chỉ đem lại tai hại cho công chúng. Hồi tháng trước, khi ông hết lời ca ngợi “cà phê là thuốc giảm cân rất hữu hiệu, đốt cháy bớt chất béo trong người.” Rồi cũng chính ông phải xin rút lại lời nói này.

Trong buổi điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 18 tháng sáu năm 2014, Thượng Nghị Sĩ Claire McCashill chất vấn bác sĩ Mehmet Oz tại sao lại dám gọi một số sản phẩm là “thần diệu”. Điều này là không xác thực

Chưa hết, việc làm của ông đang bị tạp chí Y Khoa The British Medical Journal phân tích tỉ mỉ trong bản phúc trình nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư tuần này. Người đứng ra thực hiện cuộc nghiên cứu là bà Christina Korownyk, trường đại học University of Alberta. Bà tố cáo rằng những đề nghị của bác sĩ Oz hơn một nửa là vô căn cứ, hay mâu thuẫn. Phúc trình của bà ghi như sau: “Những đề nghị trình bầy trên chương trình Talk-Show đa số không có đầy đủ tin tức thích hợp về những lợi ích đặc biệt, hay tầm mức hiệu quả của những lợi ích này. Công chúng cần phải thận trọng, đặt nghi vấn về những lời đề nghị trong chương trình Talk-Show.”.

Phúc trình nghiên cứu trên được thực hiện trong bối cảnh đang có sự tranh luận về mối liên hệ giữa y học và truyền hình. Hiển nhiên là các bác sĩ làm chương trình truyền hình là những người kiếm rất nhiều tiền. Chương trình talk-show của bác sĩ Oz là một trong năm chương trình Talk-Show ăn khách nhất của truyền hình Mỹ. Mỗi ngày có đến 2.9 triệu khán giả xem. Những đề tài như bệnh ung thư được nhiều khán thính giả xem nhất . Bác sĩ Oz nói với tuần báo The New Yorker: “Bệnh ung thư cũng sáng giá như tài tử Angelina Jolie, chúng tôi được nhiều khán giả hâm mộ theo dõi.”.

Nhưng một số bác sĩ tỏ ý lo ngại khi bác sĩ Oz đem món hàng ung thư đi rao bán mỗi ngày. Họ nói: “Bệnh ung thư không mấy “sexy” như bác sĩ Oz tưởng tượng, công chúng cần có những thông tin chính xác về những loại thực phẩm gíup ngăn ngừa bệnh ung thư.”. Trong nguyệt san “Nutrition and Cancer” (Dinh dưỡng và bệnh Ung Thư), với mục “Reality Check” (Kiểm tra lại xem có đúng sự thực hay không), các bác sĩ lên tiếng phản bác lời đề nghị của bác sĩ Oz như sau: “Không hề có loại thức ăn nào được mệnh danh là miracle food – thức ăn thần diệu- cả.”. Tờ báo chỉ trích lời khẳng định của bác sĩ Oz. Ông Oz nói rằng ăn rau diếp cuốn, hành đỏ và cá sea bass sẽ ngăn ngừa được 75% bệnh ung thư tử cung. Đó là điều không đúng.

Bác sĩ Eric Rose làm việc ở New York, nói với báo The New Yorker: “Anh chàng Mehmet ngày nay là một tài tử xi nê, giúp khán giả giải trí. Những lời khuyên của ông giúp người ta học hỏi được nhiều điều bổ ích trong việc sắp xếp cuộc sống… Nhưng đôi khi Mehmet đi quá xa, đến độ nực cười, và chỉ còn có giá trị như một chương trình truyền hình giải trí.”.

Về phần bác sĩ Oz, ông nói rằng ông chỉ cố gắng loan tải tin tức cho công chúng biết tất cả những chọn lựa mà họ có thể có. Ông tin rằng tài liệu khoa học không thể ngăn cản công chúng dùng thử những mặt hàng có trên thị trường, và chưa được thử nghiệm. Ví dụ như chất “raspberry keytone” rất tốt trong việc đốt cháy chất béo trong người. Trong buổi điều trần tại Thượng Viện, ông thú thật: “Tôi nói với khán giả những lời khuyên mà tôi áp dụng cho người thân trong gia đình. Chính tôi cho người trong gia đình dùng thử sản phẩm mà qúi vị nói. Nó có kết quả tốt, và tôi cảm thấy thoải mái khi dùng sản phẩm đó.”.

Nhưng các nhà nghiên cứu của tập san y khoa The British Medical Journal không cảm thấy thoải mái về những đề nghị của bác sĩ Oz. Họ kiểm tra lại 40 kỳ phát hình trong năm ngoái, với khoảng 479 lời khuyên ông đưa ra. Sau khi kiểm nghiệm theo khảo hướng y khoa liên hệ đến từng lời khuyên một, các nhà nghiên cứu thấy rằng chỉ có 46% lời khuyên được xác minh là đúng, 15% là mâu thuẫn vô lý, và 39% là vô căn cứ.

Phúc trình nghiên cứu cũng khẳng định rằng nhận xét của họ có phần nào bị hạn chế. Bởi vì khi phân giải từng câu từng chữ trong lời khuyên của bác sĩ Oz, có nhiều câu mang ý nghĩa chung chung, tổng quát, rất khó đoán. Ví dụ bảo rằng khi hắt hơi, nên hắt hơi vào cùi chỏ tay của mình sẽ ngăn ngừa việc lây bệnh truyền nhiễm. Câu nói này không có bằng cớ nào để chứng minh điều đó là đúng.

Phúc trình nghiên cứu tóm tắt khuyên chúng ta rằng chương trình Talk-Show của bác sĩ Oz cũng như nhiều chương trình của bác sĩ khác chỉ có giá trị một lời khuyên rất hạn hẹp. Người tiêu thụ cần nhớ một điều là chỉ có khoảng một phần ba lời khuyên là có bằng chứng. Phần còn lại chỉ là những điều … Người ta tin rằng vân vân và vân vân…

Những quyết định về y tế, sức khoẻ là những vấn đề rất khó, nhiều khi nó không có bằng chứng cụ thể, chỉ dựa vào lòng tin, và sự thuyết phục.

Bác sĩ Oz nghĩ rằng ông là người dám đạp đổ những thần tượng thường có trong y giới. Ông nói với tuần báo The New Yorker: “Rất nhiều loại thuốc men do bác sĩ đề nghị chữa trị được làm theo suy luận cũ. Do đó, tôi là người đứng ra khuyên công chúng, những bệnh nhân hãy can đảm làm chọn lựa cho mình. Do đó, nhiều khi lời khuyên của tôi đụng chạm đến thành trì của y giới. Lời khuyên của tôi trở thành lời nói mà y giới không muốn nghe. Câu trả lời của bác sĩ có khi không phải là câu trả lời duy nhất, và liều thuốc họ kê ra chưa hẳn là liều thuốc duy nhất dành cho người bệnh.”.

Bài tường thuật của Terrence Mc Coy trên Washington Post ngày 19/12/2014

Leave a Reply