Nỗi thất vọng của cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Trump

Nhiều quyết sách của Trump trong tháng đầu nhậm chức đã khiến nhiều cử tri thất vọng, dù họ đã bỏ phiếu ủng hộ ông trong cuộc bầu cử.

Tom Godat, một thợ điện ở thị trấn Clinton, bang Iowa, Mỹ, từng luôn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, nhưng đã quyết định bầu cho Donald Trump hồi năm ngoái, bởi anh rất thích cam kết làm nước Mỹ vĩ đại trở lại của ông, cũng như cách thức tỷ phú này phớt lờ những nhà vận động hành lang, thách thức các đảng phái chính trị và hứa hẹn tạo thêm công ăn việc làm, theo Washington Post.

Thế nhưng giờ đây Godat lại cảm thấy ngạc nhiên với những hỗn loạn xảy ra trong tháng đầu nắm quyền của Tổng thống Trump. “Tôi đã không nghĩ rằng ông ấy sẽ làm như vậy. Ông ấy tạo ra rất nhiều thứ gây tranh cãi và thay vì nghĩ cách khắc phục, tôi e rằng ông ấy chỉ đang đổ thêm dầu vào lửa”, người công nhân làm việc tại nhà máy cán nhôm cho biết.

Trong 6 bang chiến trường mà Trump giành được chiến thắng bất ngờ hồi tháng 11 năm ngoái, Iowa là nơi ông có tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu cao nhất, với 9 điểm vượt trội so với bà Hillary Clinton. Thế nhưng một tháng sau khi ông nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ ông ở bang này chỉ còn 42%, trong khi 49% người được hỏi tỏ ra thất vọng với những gì Trump đã làm, theo khảo sát mới đây của Des Moines Register/Mediacom Iowa Poll.

Rất nhiều người dân ở Iowa cho biết họ lo ngại những sắc lệnh hành pháp mà Trump đã ký có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các chương trình năng lượng tái tạo, chính sách thương mại của ông có thể làm tổn thương các trang trại xuất khẩu nông sản, chương trình trục xuất người nhập cư hàng loạt có thể khiến các nhà máy, xưởng sản xuất thiếu hụt nhân công, cũng như việc hủy bỏ ObamaCare có thể khiến hàng nghìn người mất quyền lợi bảo hiểm y tế.

“Tôi chỉ hy vọng rằng các ông chủ sẽ không sa thải công nhân và Tổng thống Trump có thể tạo thêm việc làm khắp đất nước. Thế nên tôi chỉ muốn nói với ông ấy hãy tập trung vào chúng tôi, vào đất nước, vào các vấn đề của chúng ta”, Godat nói.

noi-that-vong-cua-cu-tri-my-bo-phieu-cho-trump-1

Godat và con trai trong một nhà hàng ở thị trấn Clinton. Ảnh: WP

Tại thị trấn Lost Nation ở gần đó, Tyler Schurbon, công nhân đốn gỗ, cho biết mình người luôn ủng hộ đảng Cộng hòa và đã bỏ phiếu cho Trump. “Ông ấy đang làm những gì mình đã hứa, đó là điều quan trọng nhất”, Schurbon nhận xét về tháng cầm quyền đầu tiên của Trump. “Rất nhiều người đắc cử và họ quên sạch những gì mình từng hứa hẹn”.

Tuy nhiên, nghị viện bang Iowa do đảng Cộng hòa kiểm soát, được tiếp thêm sức mạnh bởi chiến thắng của Trump, mới đây thông qua quy định hạn chế quyền thương thảo tập thể của các công nhân nhà nước, khiến các thành viên công đoàn như Schurbon rất lo lắng cho quyền lợi của mình.

Anh cũng lo ngại rằng tuyên bố đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ của Tổng thống có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu đậu nành và ngô sang Canada, Mexico từ nông trại do anh và bố cùng canh tác.

“Trump đang thực sự gây tổn thương cho chúng tôi, dù mọi người ở đây đều theo xu hướng bảo thủ”, Schurbon nói. “Khi bạn cắt đứt thương mại, nó sẽ cắt đứt mọi thứ. Nông sản của chúng tôi rồi sẽ đi đâu? Chúng không thể ở đây được”.

Tuy nhiên Schurbon cho rằng mọi người nên cho Trump thêm thời gian. “Các bạn không cần phải nhất trí với ông ấy, nhưng cũng đừng cản trở hoàn toàn những thứ ông ấy làm. Ít nhất hãy để ông ấy thử”, anh nói.

Nơm nớp

Tại thị trấn Newton ở Iowa, Steventjie Hasna là một người Công giáo bảo thủ phản đối việc phá thai và thường ủng hộ đảng Cộng hòa. Thế nhưng Steventjie đã sốc với những gì Trump làm trong tháng cầm quyền đầu tiên, lo sợ bão tố sẽ xảy ra với gia đình nhỏ của cô.

Chồng cô, Hosen Hasna, là người gốc Syria và từng học đại học ở Trung Đông. Sau đó Hosen tới làm kỹ sư điện cho một nhà máy sản xuất lốp xe ở Newton, nơi anh gặp và kết hôn với Steventjie.

Steventjie vẫn đi lễ ở nhà thờ Công giáo mỗi tuần, trong khi chồng cô đều đặn tới nhà thờ Hồi giáo trong vùng để cầu nguyện. Bố mẹ Hosen vẫn đang sống ở Damascus, thường tới Mỹ thăm hai vợ chồng một năm hai lần. Thế nhưng những chuyến thăm như vậy có thể không còn diễn ra nếu Tổng thống Trump tiếp tục áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh, thứ mà Steventjie cho rằng không có hiệu quả trong việc bảo vệ nước Mỹ.

“Tôi không quan tâm những gì ông ấy nói, ông ấy đang công kích người Hồi giáo ở đây”, cô cho biết. “Điều đó không mang tính Mỹ một chút nào. Chúng ta phải bảo vệ các giá trị Mỹ, trong khi ông ấy đang làm những điều trái ngược”.

Steventjie Hasna và con gái. Ảnh: WP

Steventjie Hasna và con gái. Ảnh: WP

Steventjie lo sợ rằng nhà thờ Hồi giáo của chồng mình sẽ bị tấn công, hoặc Hosen sẽ trở thành mục tiêu của các nhóm bài ngoại. “Bạn không thể biết những gã điên khùng nghĩ gì trong đầu đâu. Tôi không nói rằng đó là lỗi của Trump, nhưng với việc một người có lập trường thù ghét như ông ấy trở thành tổng thống, người ta có thể nghĩ rằng tư tưởng phân biệt chủng tộc không có gì là sai trái”, cô nói.

Hàng nghìn người Mỹ Latin nhập cư sống ở thị trấn Perry cách đó 50 km cũng có cảm giác tương tự. Lời đe dọa trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp của Trump đã khiến người dân thị trấn lo sợ, theo Oscar Ramirez, một thường trú nhân hợp pháp sở hữu một cửa hàng tạp hóa tại đây.

“Rất nhiều người đang sợ hãi”, Ramirez cho biết. “Họ đến trò chuyện với tôi, nhưng tôi cũng chỉ biết an ủi họ rằng hãy bình tĩnh và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất”.

Jim George, một kỹ sư nghỉ hưu đã sống ở Perry suốt 20 năm qua, cho biết ông bỏ phiếu bầu cho Trump, nhưng không ủng hộ quan điểm về người nhập cư của Tổng thống. “Cộng đồng nhập cư cũng có nhiều người tốt. Nơi này không thể hoạt động bình thường nếu thiếu những người như họ”, George nói.

“Tôi bỏ phiếu cho Tòa án Tối cao, chứ không hề muốn bầu cho Trump”, người đàn ông 68 tuổi này thổ lộ. “Với Trump, bạn chỉ có thể bịt mũi”.

Hai phụ nữ hưu trí khác là Lois Suber và Libby Ring cho biết họ đã bỏ phiếu cho Trump, nhưng không hề ủng hộ những gì ông đã làm trong tháng đầu tiên. Mặc dù vậy, họ cho rằng những cuộc biểu tình phản đối hay những bình luận tiêu cực về Trump không giúp cải thiện tình hình.

“Chúng ta phải ủng hộ những gì ông ấy làm vì đó là điều ta phải thực hiện. Dù là ai đắc cử, chúng ta đều phải bước theo họ. Chỉ có điều Trump là người rất khó để đi theo”, bà Ring nhấn mạnh.

Trí Dũng

Leave a Reply