Người Việt đầu tiên làm Thị trưởng ở Australia

Nguyễn Minh Sang 31 tuổi đã trở thành thị trưởng một thành phố của bang Victoria, cũng là người châu Á đầu tiên trở thành thị trưởng ở Australia. Ông là một trong những hạt nhân đầu tiên gây dựng sự hình thành có tính tổ chức của cộng đồng người Việt ở tiểu bang Victoria – một cộng đồng lớn mạnh ở nước Úc.

Quê ở Long Xuyên, nhưng từ nhỏ, Nguyễn Minh Sang sinh sống, học tập chủ yếu ở Sài Gòn. Theo chân gia đình người cậu, Sang đến Australia nhập cư khi mới 17 tuổi. Đó là năm 1977. Khi đó mới chỉ có khoảng 1.000 người Việt nhập cư và Sang là một trong những người Việt đầu tiên định cư ở tiểu bang Victoria.

Nhớ lại thuở ban đầu đó, ông Sang nói đó là một thời kỳ khó khăn đối với tất cả người Việt khi là những người mới đến, yếu thế về ngôn ngữ, không nghề nghiệp.

“Tất cả qua đều hai bàn tay trắng, nghèo đói, cô đơn, không chuẩn bị kỹ năng hội nhập xứ này” – ông Sang kể.

Bản thân ông Sang cũng đã phải bươn chải vất vả. Một trong những thuận lợi đầu tiên mà ông có được chính là khoản tiền trợ cấp đi học của chính quyền nước sở tại. Với khoản chu cấp 2 tuần 1 lần, Sang đã dồn toàn bộ cho việc học. Việc đầu tiên là đi học tiếng Anh. Tốt nghiệp trung học, ông theo học về kỹ sư điện tại trường Swinburne và công nghệ thông tin tại Đại học RMIT.

Ông Nguyễn Minh Sang (phải) ở khu chợ của người Việt ở Footscray – Melbourne

Một trong những điều luôn ám ảnh cậu thanh niên Sang những ngày đầu tiên đó là cộng đồng người Việt. Chứng kiến những nhóm sắc tộc, cộng đồng khác nhập cư vào Australia định hình một cách có tổ chức, Sang đã luôn tự thôi thúc phải làm gì đó tương tự. Đó là những quyền lợi như xin hỗ trợ của chính phủ về học tập, ngôn ngữ, hệ thống y tế, phúc lợi xã hội, trợ giúp việc làm…

Một hoạt động có tính tổ chức đầu tiên của ông Sang khi còn ngồi trên ghế nhà trường là thành lập hội sinh viên Việt Nam tại Swinburne và sau đó là hội sinh viên Việt Nam tại tiểu bang Victoria. Đó cũng là những hội, đoàn tổ chức của tự thân người Việt đầu tiên, với hạt nhân là những thanh niên người Việt di cư đến đây được học tập và có chìa khóa để bắt đầu mọi dự định là tiếng Anh.

Những công việc tại Trung tâm di cư thế giới, điều phối viên tại Hội đồng Cộng đồng Đông Dương của ông Sang cũng liên quan đến cộng đồng và chuyện nhập cư ổn định.

Một kế hoạch lớn được chuẩn bị là vận động thành lập Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Victoria. Cộng đồng này ra đời những năm cuối thập niên 80 và đến nay vẫn là tổ chức đại diện lớn nhất của cộng đồng người Việt ở Victoria.

Nhưng đó dường như mới chỉ là điểm khởi đầu khi cá nhân ông bắt đầu nghĩ tới cơ hội lớn hơn: trở thành đại diện của người Việt trong chính quyền thành phố, tiểu bang. Mà mục đích lớn nhất, đó là tạo thuận lợi cho việc vận động những chính sách, quyền lợi của người Việt nhập cư.

1988 là một năm ý nghĩa. Ứng viên độc lậpNguyễn Thanh Sang, lúc này quen thuộc với tên gọi Sang Nguyễn, đã được bầu vào hội đồng nghị viên thành phố Richmond của tiểu bang Victoria, ở tuổi 28.

Thành phố Richmond – nơi ông Sang có 2 nhiệm kỳ làm Thị trưởng

Lá phiếu được người dân bầu không chỉ có của những cử tri người Việt mà cả những cộng đồng nước ngoài khác sinh sống tại Richmond. Với số phiếu bầu cao nhất, theo luật, ông cũng được đồng thời bầu làm Thị trưởng thành phố.

“Nhưng khi đó tôi đã từ chối, vì nghĩ mình chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý. Tôi đã chọn làm phó thị trưởng để học hỏi kinh nghiệm để cho đến năm 1991, sau khi tiếp tục được bầu, tôi chính thức trở thành thị trưởng Richmond” – ông Sang nói với VietNamNet.

Việc trúng cử hai nhiệm kỳ liên tiếp của ông bắt đầu gây chú ý với hai chính đảng lớn nhất Australia là Công đảng và Tự do. Khi trở thành Thị trưởng thành phố Richmond, ông Sang đã nhận được lời mời từ cả hai đảng tham gia hoạt động. Ông đã chọn Công đảng. Có chân trong đảng, ông Sang tiếp tục đấu tranh cho những quyền lợi của cộng đồng người Việt nhập cư, đặc biệt tại tiểu bang Victoria.

“Đã có những tranh luận liệu tôi nên tham gia đảng nào để có thể đại diện vận động cho những quyền lợi của cử tri là người Australia gốc Việt. Nếu như đảng Tự do dành cho những người thành công trong xã hội như trí thức, bác sĩ, kỹ sư, những người giàu có, có vị trí trong xã hội thì Công đảng hợp với những cộng đồng, sắc tộc có xuất phát điểm thấp như người Việt nghèo, yếu thế, tiếng Anh kém, lợi tức thấp. 90% tập thể người Việt ở đây khi đó hợp với Công đảng. Và tôi đã chọn Công đảng vì muốn đi tiếp cho những quyền lợi rộng lớn hơn của cộng đồng mình” – ông Sang kể.

Một trong những điều ông đã thực hiện thành công, đó là vận động gia tăng số thu nhận người Việt ở các trại tị nạn Malaysia, Thái Lan nhập cư vào Australia.

Cầu nối Việt Nam

Cơ hội đến với ông Sang khi năm 1993, ông làm trợ lý cho Bộ trưởng Ngoại giao Gareth Evans.

“Nhìn lại những năm thập niên 90, đó là giai đoạn Việt Nam vẫn bị cô lập, bao vây cấm vận. Song tôi nhìn thấy những cơ hội khi Australia có những thiện chí làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước phương Tây. Đó là việc vận động, ủng hộ Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Bộ trưởng Evans cũng đã vận động để nhìn thấy một vai trò lớn hơn của Việt Nam sau chiến tranh. Đó là vai trò đóng góp cho khối ASEAN – vai trò chủ đạo trong việc đóng góp cho hòa bình, ổn định của khối này” – ông Sang nói.

3 năm làm việc cho văn phòng Bộ trưởng cũng là giai đoạn Australia bắt đầu đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, hợp tác với Việt Nam.

Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong thời kỳ làm trợ lý cho Bộ trưởng Evans là chuyến thăm Hà Nội năm 1993.

“Đó là chuyến đi ủng hộ Việt Nam trong cả những vấn đề quốc tế, không chỉ cho những vấn đề hợp tác song phương”.

“Chỉ có sự tích cực, cả trong suy nghĩ và hành động, mới cải thiện được khoảng cách”

 

Những đóng góp thúc đẩy hợp tác với Việt Nam của ông Sang còn tiếp nối khi ông được Công đảng bầu làm ứng viên tranh cử một ghế tại Quốc hội tiểu bang Victoria. Từ 1996 đến 2006, ông làm việc tại Ủy ban phát triển gia đình và cộng đồng của Quốc hội tiểu bang. Tại đây, ngoài những vấn đề cộng đồng, ông cũng tham gia vào các hoạt động trao đổi hợp tác, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn làm việc từ Việt Nam.

Ông Sang nói vui rằng, nếu Quốc hội Australia có lịch sử hình thành đến nay là 112 năm (thành lập từ 1901), thì ông đã có mặt ở đây 1/3 thời gian đó. Với 34 năm sinh sống tại đây, không chỉ chứng kiến những đổi thay xã hội Australia từ một quốc gia 13 triệu người giờ tăng lên thành 23 triệu người, ông cũng đã chứng kiến những bước phát triển lớn mạnh của cộng đồng người Việt. Và hơn cả là sự kết nối giữa Australia và Việt Nam ngày càng gần gũi.

“Tôi đã trải nghiệm để hiểu rằng, chỉ có sự tích cực, cả trong suy nghĩ và hành động, mới cải thiện được khoảng cách. Việt Nam đã mở cửa đất nước, thay đổi. Không lâu nữa Việt Nam sẽ hùng mạnh như một con rồng của châu Á. Điều tôi muốn nhìn thấy đó là một Việt Nam giàu mạnh, có vai vế, có vị trí trong khu vực, quốc tế. Tất cả sau cùng sẽ làm cho cuộc sống của người dân tốt lên” – ông nói.

Từ 2006 đến nay, ông Sang đã thôi công việc liên quan đến chính trị, ngoại giao và chuyển sang làm tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư ở châu Á.

“Một ngày nào đó có thể tôi sẽ trở lại công việc cũ. Nhưng bây giờ là đam mê dành cho công việc liên quan đến doanh nghiệp, không chỉ ở các nước châu Á, mà bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu tư vấn về Việt Nam, tôi rất sẵn sàng” – ông nói.

Xuân Linh

Leave a Reply