Người Nhật khác biệt đến mức nào?

Henry Kissinger từng nói: “Người Nhật tin rằng xã hội của họ khác biệt tới mức họ có thể thích nghi với mọi thứ trong khi vẫn bảo tồn được gốc gác dân tộc của mình”.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Người Nhật + japanese people + David Pilling” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] LTS: Trong bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của tác giả David Pilling về những khía cạnh phức tạp trong quá trình trở nên khác biệt của đất nước Nhật Bản.

Từ thập niên 1880, sau khi chế độ Mạc phủ của Nhật Bản bị lật đổ và nhà nước hiện đại trong danh nghĩa Thiên hoàng được hình thành, sách sử nước này được viết lại. Theo đó, lịch sử Nhật Bản không phải bắt đầu từ thời kỳ đồ đá, mà từ sự hình thành đầy huyền thoại của nước Nhật, kéo dài liên tục từ thời kỳ của nữ thần mặt trời Amatarasu cho tới ngày nay.

Còn Thần đạo – một hệ thống các tín ngưỡng dân gian mang màu sắc duy linh của Nhật – được phát triển thành một quốc giáo với Thiên hoàng ở vị trí trung tâm (Thiên hoàng được coi là con cháu thần linh). Nói cách khác, phần lớn những giá trị độc đáo của Nhật Bản đều là sản phẩm của tuyên truyền, tức những hoạt động chính trị nhằm xây dựng và củng cố hình ảnh một nền văn hóa Nhật Bản độc lập trước Trung Quốc. Sứ mệnh “khai sáng” của Nhật được phát triển lên thành một lý tưởng đáng vì nó mà hy sinh.

Nhiều năm sau, năm 1971, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói với Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai rằng chính cái quan điểm “mục hạ vô nhân” của Nhật sẽ khiến họ có thể tạo ra những thay đổi nhanh chóng. Ông nói: “Người Nhật tin rằng xã hội của họ khác biệt tới mức họ có thể thích nghi với mọi thứ trong khi vẫn bảo tồn được gốc gác dân tộc của mình. Do đó, người Nhật có thể tạo ra những thay đổi đột phá. Họ đã chuyển từ xã hội phong kiến sang nền văn hóa tôn thờ Thiên hoàng chỉ trong vòng 2 – 3 năm, và họ đã đi từ tôn giáo thờ Thiên hoàng sang chế độ dân chủ chỉ sau 3 tháng.”

Một số nhà quan sát ngoại quốc cũng nhiệt tình không kém người bản địa trong việc quảng bá sự độc đáo giả tưởng của Nhật Bản. Dĩ nhiên, dân tộc nào cũng độc đáo, nhưng ở Nhật Bản, sự thật hiển nhiên này lại trở thành một điều được tôn sùng thái quá. Người Nhật đã phát triển hình thức viết bắt chước triết học gọi là Nihonjinron (hay còn gọi là “các bài luận bàn về bản chất của người Nhật”)đây là hình thức được khai sinh từ thời Mạc phủ nhưng chỉ thịnh hành từ sau Thế chiến thứ hai.

Nhật Bản, Trung Quốc, truyền thống, Hoa Nam, Điếu Ngư, Senkaku, Henry Kissinger
Trên đường phố tại Tokyo. Ảnh: Chi Dứa

Các bài luận này được viết bằng cả tiếng Nhật và ngoại ngữ, và tất cả đều nhằm lý giải điều gì đã khiến người Nhật trở nên độc đáo, và họ khác biệt như thế nào so với người ngoại quốc – vốn bị coi là “cùng một giuộc như nhau”. Những sự tìm hiểu đó thường đều thiên về miêu tả người Nhật là những nông dân trồng lúa, quen với đời sống tĩnh tại và sống tập thể, nên họ vận dụng nhiều đến trực giác và con tim hơn là lý trí lạnh lùng của phương Tây. Khác với những bộ lạc săn bắn phương Tây, người Nhật được coi là có sự nhạy cảm đặc biệt đối với tự nhiên, có khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ qua hình thức thần giao cách cảm, và có một cảm nhận tinh tế về nghệ thuật.

Năm 1946, nhà nhân loại học người Mỹ Ruth Benedict, bằng việc xuất bảnHoa cúc và Thanh gươm, cuốn sách viết về nghiên cứu kinh điển của bà về văn hóa Nhật Bản, đã củng cố thêm cho quan điểm nhìn nhận Nhật Bản là một dân tộc tách biệt. Bà mô tả đây là một xã hội được mã hóa cao độ, hoạt động theo các thông tục mà người ngoài không thể hiểu được.

Công trình của bà đã trở thành viên gạch lát đường cho rất nhiều bài luậnNihonjinron sau đó của các tác giả Nhật Bản. Những sự kiện này còn được củng cố thêm nữa bởi thành tựu kinh tế của Nhật Bản thời hậu chiến, mà nhờ đó cả người Nhật và người nước ngoài đều bắt đầu cho rằng công đầu là do cấu trúc tổ chức và xã hội được coi là độc đáo của Nhật Bản.

Người Nhật ngày nay vẫn có quan điểm cho rằng dân tộc mình là một dân tộc cô lập và khác biệt – và thường thì quan điểm này mạng lại cho họ hại nhiều hơn lợi. Chẳng hạn, nó làm trì trệ ngành công nghiệp điện tử của Nhật: các nhà sản xuất Nhật Bản thường cho ra đời những sản phẩm phù hợp một cách hoàn hảo với khách hàng nội địa, song sức vươn ra thị trường quốc tế của chúng lại không lớn.

Họ khao khát tìm kiếm cái mà họ coi là vị trí phù hợp với họ trong hệ thống thứ bậc các quốc gia – họ đã dành hàng năm trời để thực hiện chiến dịch vận động lấy một vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhưng, trong các hành động của mình, dù là khi bảo vệ truyền thống săn bắt cá voi vốn bị quốc tế lên án, hay bảo vệ quyền đến thắp hương tại đền Yasukuni, nơi thờ phụng linh hồn của hơn 2 triệu tử sĩ Nhật, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh hạng đặc biệt nghiêm trọng thời Thế chiến thứ hai, thì người Nhật thường cũng khó tìm được sự đồng cảm trên thế giới.

Trong Khuất phục nghịch cảnh, cuốn sách của tôi viết về Nhật Bản, Toshiaki Miura, một nhà bình luận rụt rè và trầm tư trên tờ báo cánh tảAsahi Shimbun, đã tổng kết về sự mâu thuẫn giữa một bên là ý thức về sự cô lập của người Nhật về mặt địa lý, thậm chí cả về mặt tâm lý, với thế giới bên ngoài, và một bên là những nỗ lực bền bỉ tới mệt mỏi trong công cuộc tìm kiếm một chỗ đứng cho mình trên sân khấu toàn cầu. “Tâm lý của chúng ta hết sức cô lập, co cụm, nhưng chúng ta luôn nhìn thấy mình được phản ánh trong tấm gương bên ngoài,” Miura nói về hai khao khát trái ngược nhưng luôn song hành của người Nhật: vừa muốn cô lập, lại vừa muốn được cả thế giới tôn trọng.

“Một trong những bi kịch của cái vị trí của Nhật Bản trong xã hội quốc tế là chúng ta không có hàng xóm nào có cùng quy mô hay cùng mức độ phát triển công nghiệp. Nếu ở châu Âu, Nhật Bản sẽ làm bạn cùng Đức, Ý, và Anh, và chúng ta sẽ có thể học cách cùng tồn tại với những quốc gia ngang ngửa mình,” Miura phân tích.

Nhưng Nhật Bản lại không ở châu Âu. Họ nằm cạnh Trung Quốc, cội nguồn nền văn minh của họ, và từng bị Nhật Bản xâm chiếm khi suy yếu. Giờ đây, họ phải cảnh giác theo dõi Trung Quốc – quốc gia chưa từng tha thứ, cũng chưa từng quên điều gì – ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn.

Bùi Thu Trang (theo Foreignpolicy)

*Tác giả bài viết, David Pilling, là biên tập viên mảng châu Á của tờ Financial Times. Ông từng là Trưởng văn phòng Tokyo của FT trong thời gian 2002 – 2008.

Nhật Bản và quá trình ‘cắt đứt’ đau đớn với TQ

Đối với Nhật Bản, cách ly khỏi Trung Quốc là một quyết định đau đớn, bởi hầu như tất cả những giá trị văn hóa của họ đều xuất nguồn từ Trung Quốc.

LTS:Trong bài viết dưới đây, tác giả David Pilling đã đi vào những khía cạnh phức tạp trong quá trình trở nên khác biệt của đất nước Nhật Bản.

Cách đây hơn 100 năm, ngày 16/3/1885, tờ Jiji Shimpo (Thời sự tân báo) của Nhật đăng tải bài xã luận “Thoát Á” mà hiện nay nhiều người cho rằng do Yukichi Fukuzawa, đỉnh cao trí tuệ của phong trào cải cách thế kỷ 19 với cao trào là thời kỳ Minh Trị Duy Tân, viết. Bài xã luận cho rằng không thể để Nhật Bản bị nền phong kiến Trung Hoa và Hàn Quốc làm cho trì trệ, và nên “thoát khỏi vòng tư tưởng của các quốc gia châu Á mà gia nhập với các quốc gia văn minh phương Tây.”

Việc Nhật Bản “đoạn tuyệt” với Trung Quốc (thời gian sau này thậm chí Nhật còn đưa quân sang xâm lược Trung Quốc) là một câu chuyện đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Căng thẳng giữa hai quốc gia hiện đang ở mức hết sức nghiêm trọng. Lãnh đạo hai nước cũng đã bắt đầu bóng gió so sánh hiện tại với các năm 1914 và 1939, thời điểm mà cả thế giới đang đứng trên bờ vực chiến tranh.

Nguồn cơn chính của sự thù địch này là hành động xâm lược Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940 – đây là một nỗ lực bất thành của Nhật nhằm thuộc địa hóa “quốc gia trung tâm ở dưới gầm trời” đã làm thiệt mạng hàng triệu người. Mối hiềm khích này cũng xuất nguồn từ năm 1895, khi Nhật Bản và Trung Quốc tham gia vào một cuộc chiến tranh ngắn, qua đó Nhật thôn tính một phần lãnh thổ Trung Quốc, gồm cả Đài Loan, và tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), vốn là tâm điểm trong cuộc tranh cãi lãnh thổ ngày nay.

Nhật Bản, Trung Quốc, châu Á, Hoa Đông, Điếu Ngư, ADIZ, Senkaku
Mối quan hệ Nhật Bản và TQ gần đây càng trở nên căng thẳng sau những xung đột tại Hoa Đông. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, còn một lý do tế nhị khó thấy khác, khởi nguồn từ quá khứ còn xa hơn nữa, khi Nhật cắt đứt mối liên hệ về mặt lý trí với Trung Quốc và chuyên tâm vào nỗ lực hiện đại hóa, Âu hóa quốc gia của mình.

Trung Quốc từng được coi là cội nguồn trí tuệ của Nhật Bản, một quần đảo cô lập nằm nhỏ nhoi như một dấu ngoặc lửng ở rìa phía đông của khu vực giao lưu giữa Á – Âu rộng lớn. Kyoto, thủ phủ chính trị của Nhật Bản trong suốt một ngàn năm được thành lập từ thế kỷ thứ 8, là một bản sao hoàn hảo của kinh đô Trường An triều nhà Đường. Nhiều thi phẩm lớn của Nhật Bản được viết tại Trung Quốc. Chỉ phụ nữ mới viết chữ chú âm kana – vào thế kỷ XXI, một cung nữ trong triều đình đã viết Truyền thuyết về Genji, tác phẩm được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Đối với nam giới, học đồng nghĩa với việc học ở Trung Quốc.

Nhưng trong các thế kỷ tiếp theo, sự uy nghi của nền văn minh Trung Quốc dần dần suy yếu, đặc biệt kể từ năm 1644 khi triều Minh sụp đổ và nhà Hán bị nước ngoài kiểm soát. Sự kiện này ở Trung Quốc trùng hợp với giai đoạn đầu của chế độ Mạc phủ Tokugawa (1600-1868); khi đó các tướng lĩnh cai trị đang tìm cách bảo vệ nhà nước Nhật – và bản thân họ – khỏi tầm ảnh hưởng của ngoại bang, trong đó có Trung Quốc.

Với quyết tâm bảo vệ nền tự chủ đồng thời ý thức được các hệ tư tưởng trái chiều nhau, Mạc phủ đã ra lệnh cấm người dân Nhật Bản ra khỏi nước ngoài (người phạm tội sẽ bị xử tử). Các thương nhân Trung Quốc hầu như bị hạn chế sinh hoạt trong một khu phố người Trung Quốc trong thành phố Nagasaki.

Đối với Nhật Bản, cách ly khỏi Trung Quốc là một quyết định đau đớn, bởi hầu như tất cả những giá trị văn hóa của họ đều xuất nguồn từ Trung Quốc, từ truyền thống trồng lúa nước, chữ viết, các quan điểm Khổng giáo về trật tự quân thần và gia đình, cho đến các kỹ thuật sử dụng đồng và sắt. Theo nhà sử học George Sansom, đạo Phật, vốn cũng được truyền qua Nhật từ Trung Quốc (dù rằng Ấn Độ mới là quê hương của tôn giáo này), là “một con chim lớn kỳ diệu, bay qua đại dương trên đôi cánh mạnh mẽ, mang tới cho Nhật Bản tất cả những nhân tố của một đời sống mới – một nền đạo đức mới, kiến thức về tất cả các lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, nghề nghiệp, và các tư tưởng siêu hình tinh tế vốn chưa từng xuất hiện trong truyền thống bản địa.”

Trong thời kỳ cai trị của chế độ Mạc phủ Tokugawa, các học giả ở hệ thống trường Quốc học (kokugaku) đã nỗ lực làm sống lại tinh thần dân tộc và nới lỏng dần những ảnh hưởng của Trung Quốc. Những tư tưởng này càng được củng cố thêm sau cuộc chiến tranh Nha phiến giai đoạn 1839 – 1842, trong đó chỉ một số lượng ít ỏi các chiến hạm của Anh quốc cũng đủ sức làm “bẽ mặt” nền văn minh vĩ đại của “quốc gia trung tâm dưới gầm trời”. Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị “băm nát như quả dưa hấu”.

Để tránh gặp phải số phận tương tự, Nhật Bản sẽ phải tiếp nhận nền văn minh phương tây và đoạn tuyệt với nguồn gốc châu Á của mình. Các học giả Kokugaku tìm về những giá trị kinh điển tiền phong kiến của Nhật Bản trước kia, thời kỳ được coi là “giai đoạn vàng” về văn học và triết học. Họ coi trọng sự thuần khiết của văn thơ Nhật Bản; khác với các hình thức văn chương kinh điển của Trung Quốc, văn thơ Nhật Bản chan hòa những hình ảnh của tự nhiên và tụng ca những cảm xúc thuần khiết.

Những ý tưởng đó vẫn còn vang vọng tới tận ngày nay. Shintaro Ishihara, cựu thống đốc thành phố Tokyo năm 2012 từng lên kế hoạch mua và phát triển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gây ra tình trạng chia rẽ trong quan hệ Trung – Nhật hiện nay, từng có lần tự hào nói với tôi rằng Nhật Bản có một nền văn chương độc đáo. Ông cho hay, tiểu thuyết gia Andre Malraux từng có lần trực tiếp nói với ông rằng người Nhật là “dân tộc duy nhất có thể nắm bắt được cõi vĩnh hằng chỉ trong tích tắc.” Với cái nháy máy tinh ranh theo phong cách đặc biệt của mình, Ishihara nói tiếp: “Haiku là thể thơ ngắn nhất trên thế giới, và không phải người Trung Quốc, mà chính là người Nhật đã tạo ra nó.”

Ngày nay, nhiều đặc điểm được coi là tiêu biểu cho Nhật Bản xuất phát từ giai đoạn cách ly với Trung Quốc này. Ian Buruma, một học giả xuất sắc về Trung Quốc và Nhật Bản, nói với tôi: “Khi kiến thức của người Nhật Bản phát triển lên, họ bắt đầu nhận ra rằng Trung Quốc không phải là trung tâm của thế giới, và họ cũng dần nhận ra những điểm yếu của Trung Quốc. Vì vậy mà họ nghĩ, ‘chúng ta nên bắt tay vào xác định vị trí của mình đi thôi.'”

Tương tự, Buruma nói, phần lớn những nét được coi là độc đáo của Nhật Bản thực ra đều là tư tưởng hiện đại. Ông nói: “Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho rằng nền văn hóa Nhật Bản không có dây mơ rễ má gì với Trung Quốc, nhưng thực ra đó chỉ là một cách nghĩ mang tính tự vệ mà thôi.”

(Còn tiếp)

 

Bùi Thu Trang (theo Foreignpolicy)

—–

*Tác giả bài viết, David Pilling, là biên tập viên mục châu Á của tờ Financial Times. Ông từng là Trưởng văn phòng Tokyo của FT trong thời gian 2002 – 2008.

Leave a Reply