Máy bay Malaysia Airlines MH370 mất tích do phi công tự sát?

Sự mất tích quá bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777 khổng lồ với 239 người trên đó đã làm dấy lên không biết bao nhiêu những giả thuyết và những lời đồn đoán. Hơn 7 ngày trôi qua, chiếc máy bay vẫn “bặt vô âm tín”. Khi sự bí ẩn quanh chiếc máy bay mất tích ngày càng tăng lên thì cũng ngày càng có nhiều giả thuyết điên rồ và đáng sợ được đưa ra. Trong số đó có giả thuyết cho rằng, phi công đã thực hiện một cuộc tự sát.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Malaysia Airlines MH370″ resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false” ] Cướp biển và phi công tự sát là hai trong số một loạt kịch bản mà các nhà điều tra đang hướng tới bởi họ ngày càng tin rằng chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines đã đổi hướng bay và bay về phía tây sau khi mất liên lạc.

Bằng chứng mới nhất cho thấy, chiếc máy bay Boeing 777 không gặp một tai nạn thảm khốc ở Biển Đông như người ta dự đoán ban đầu. Một số chuyên gia đưa ra khả năng là một trong các phi công hoặc một người nào đó có kinh nghiệm bay đã bắt cóc chiếc máy bay hoặc thực hiện một cuộc tự sát bằng cách lao thẳng máy bay xuống biển.

Một quan chức Mỹ hôm qua (14/3) cho biết ở thủ đô Washington rằng, các nhà điều tra đang hướng tới khả năng “có sự can thiệp của con người” trong vụ máy bay mất tích bí ẩn. Và đó có thể “là một hành động của cướp biển”. Vị quan chức Mỹ giấu tên cũng không loại trừ khả năng chiếc máy bay mất tích đã hạ cánh ở đâu đó.

Trong khi các giả thuyết khác vẫn đang được xem xét thì nhóm các nhà điều tra cho hay, có bằng chứng quan trọng cho thấy, có thể có bàn tay can thiệp của con người vào vụ mất tích máy bay. Đó là hai hệ thống liên lạc của máy bay dường như đã được tắt đi một cách cố ý và cách nhau hơn chục phút. Khoảng cách thời gian này không thể xảy ra trong trường hợp máy bay gặp tai nạn.

Một quan chức Malaysia giấu tên cho biết, chỉ có một phi công lão luyện mới có thể điều khiển chiếc máy bay theo cách mà nó đã bay sau khi được nhìn thấy lần cuối cùng ở Biển Đông trước khi biến mất khỏi màn hình radar.

Có thể nói, vẫn còn vô số những điều bí ẩn xung quanh số phận của chiếc máy bay Boeing 777 cùng 239 người trên đó. Tuy nhiên, có một sự thống nhất ngày càng lớn rằng, chiếc máy bay đã đổi hướng bay, hướng về phía tây ở Ấn Độ Dương và đã bay ít nhất thêm 4 giờ đồng hồ sau khi biết mất khỏi màn hình radar. Đây chính là lý do khiến người ta nghĩ đến khả năng có sự can thiệp của bàn tay con người chứ không phải do sự cố kỹ thuật.

Thông thường sự can thiệp của con người sẽ là một vụ bắt cóc máy bay vì mục đích chính trị như trường hợp vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ và một số vụ bắt cóc máy bay khác.

Tuy nhiên, không có nhóm khủng bố đáng tin cậy nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên và không hề có bất kỳ nhân vật nào lên tiếng đưa ra những yêu cầu như các vụ bắt cóc máy bay thông thường. Đây là điều thực sự gây khó hiểu.

Luôn có khả năng về việc phi công thực hiện một cuộc tự sát, giống như trường hợp với máy bay EgyptAir 990. Chiếc máy bay này đã lao thẳng xuống Đại Tây Dương ngay sau khi vừa rời sân bay JFK hôm 31/10/1999. Cục An toàn Giao thông Quốc gia xác định nguyên nhân là do phi công đã cố tình gây ra vụ tai nạn mặc dù giới chức Ai Cập vẫn hoài nghi về kết luận này.

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là nếu chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất tích là do phi công thực hiện hành động tự sát thì tại sao nó vẫn tiếp tục bay nhiều giờ trên bầu trời sau khi biến mất khỏi màn hình radar và tại sao cần phải ngắt kết nối với hệ thống liên lạc dưới mặt đất? Điều này lại mở ra khả năng là một người nào đó hoặc một nhóm người nào đó không có động cơ chính trị đã cướp máy bay. Giả thuyết này có thể dễ tin hơn dù rằng từ sau khi sự kiện xảy ra vụ 11/9/2001 ở Mỹ, việc xâm nhập được vào buồng lái máy bay là một điều cực khó do các biện pháp an ninh đã được tăng cường. Hồi tháng 1 năm 2007, từng xảy ra một vụ bắt cóc máy bay Air West ở Sudan. Kẻ cướp máy bay Mohamed Abdu Altif đã xông vào buồng lái và khống chế cơ trưởng bằng cách dí súng vào đầu ông này. Altif muốn đến London nhưng máy bay không đủ nhiên liệu. Tên này sau đó đồng ý bay tới Chad và đã đầu hàng giới chức ở đây sau đó.

Tất nhiên, nếu chính phi công là người cướp máy bay thì việc ra vào buồng lái không phải là vấn đề. Nhưng có những trường hợp xâm nhập vào buồng lái một cách rất đơn giản. Năm 2006, Hakan Ekinci từng ập vào buồng lái của chiếc máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một nữ tiếp viên vừa mở cửa buồng lái. Ekinci tuyên bố có bom và dọa sẽ cho nổ máy bay nếu không chuyển hướng chiếc máy bay này đến Italia để anh ta có thể nói chuyện với Giáo hoàng.

Nếu chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines thực sự là bị cướp thì người hay một nhóm người gây ra vụ việc này phải có đủ kiến thức về ngành hàng không dân sự để biết cách ngắt nguồn liên lạc. Đây chính xác là điều đã xảy ra với 3 trong số 4 chiếc máy bay bị không tặc kiểm soát trong loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.

Đến thời điểm hiện tại, số phận chiếc máy bay Boeing 777 chở theo 239 hành khách của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn bị bao trùm bởi một bức màn cực kỳ bí ẩn và khó hiểu. Và giả thuyết máy bay bị không tặc đang được xem là lời giải thích dễ chấp nhận nhất.

Kiệt Linh

Leave a Reply