Giám đốc người Việt cũng “chôm” đồ khi ra nước ngoài

Độc giả Trọng Tuấn kể về một vị giám đốc, là chủ của mấy công ty lớn có tên tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng vẫn có thói “chôm” đồ khi ra nước ngoài.

Độc giả này kể: “Có vị giám đốc vào một siêu thị bên Nhật. Thường các siêu thị bên Nhật có các kệ để ô dù phục vụ như những chiếc xe đẩy hay giỏ xách hàng như siêu thị tại Việt Nam. Sau khi sử dụng, vị giám đốc này tiện tay “đá” luôn và mang về Việt Nam. Nếu nói “mất cơm nghi kẻ đói, mấy gói nghi kẻ nghèo” thì chưa đúng, mà cái chính là lòng tự trọng”.

tàn nhẫn; người Việt; ăn cắp
Tấm biển dành cho người Việt ở Thái Lan

Độc giả có tên Hà Nguyễn, hiện đang sống ở nước ngoài cho biết, người Việt ở nước ngoài ăn trộm, ăn cắp rất nhiều. Độc giả này kể: “Một điều đáng xấu hổ là người Việt ở nước ngoài ăn trộm vặt rất nhiều. Và thái độ khinh bỉ và coi thường của người nước ngoài đối với một số người ăn cắp vặt ảnh hưởng đến đại cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đôi khi đi ra đường tôi không muốn làm quen với người Việt vì thấy xấu hổ”.

Độc giả Oanh thì cho biết, chị sang Đài Loan công tác cũng gặp những tấm biển cảnh báo nạn trộm cắp vặt viết bằng tiếng Việt tương tự như tấm biển bên nhật. “Chứng tỏ người Việt có rất nhiều “thành tích” ở khắp nơi”, độc giả này đúc kết.

Không chỉ ăn cắp, ăn trộm vặt, có độc giả còn cho biết, một số người Việt sống ở nước ngoài còn lập hẳn đường dây để “tuồn” đồ ăn cắp về Việt Nam bán. Có người đi du học ở Nhật về còn khoe thành tích “ăn cắp không bị camera phát hiện” với bạn bè như một niềm tự hào.

Và đến trẻ con cũng biết gian lận, độc giả Phi Nhung chia sẻ: “Thật đáng xấu hổ, ăn cắp vặt, gian lận, đố kỵ …là thói xấu đã ăn sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam mất rồi! Tôi đã từng chứng kiến một bà mẹ, làm phó giám đốc một cơ quan quản lý hẳn hoi, không phải thiếu tiền, nhưng khi đưa con đi nghỉ mát vào nhà hàng ăn thịt nướng, đứa con gái của bà đã sớm nhiễm thói ma lanh, ăn xong ném que xiên thịt xuống đất và giấu đi, khi nhà hàng đếm xiên để thanh toán không biết để tính tiền và thành tích này của con được bà mẹ hết lời khen là thông minh, nhanh nhẹn và còn khoe thành tích của con với đám nhân viên đi cùng. Thói xấu được nuôi dưỡng như thế, làm sao đây?”.

Túng thiếu nên bất chấp liêm sỉ?

Một bộ phận độc giả cho rằng, thói trộm cắp vặt của người Việt khi ra nước ngoài là do cuộc sống khó khăn, buộc họ phải làm “liều”.

tàn nhẫn; người Việt; ăn cắp
Tấm biển cảnh báo người Việt ở Nhật Bản

Độc giả Nguyễn Phước phân tích: “Nguyên nhân sâu xa là do các trung tâm du học Nhật Bản, các trường dạy tiếng Nhật vì lợi nhuận mà chấp nhận học sinh du học với trình độ tiếng Nhật quá thấp. Do vậy khi các em sang Nhật không thể xin được việc, không có tiền trang trải cuộc sống nên đã làm liều”.

“Theo tôi được biết thì hiện nay nhiều bạn tìm cách sang Nhật để kiếm việc làm thông qua con đường du học. Họ không có mục đích học tập, chỉ mong sang kiếm việc làm, chi phí môi giới được gọi bằng tên chi phí tư vấn du học rất tốn kém, ngoài ra còn cả chi phí cho thời gian học chút ít tiếng Nhật ở Việt Nam theo yêu cầu..

Và không tìm hiểu kỹ chuyện tìm việc khi sang tới đây (có lẽ người tư vấn thường nói tới chuyện tìm việc quá dễ dàng), nhưng kinh tế Nhật đang khó khăn người Nhật còn gian nan huống gì người Việt. Các bạn sang Nhật theo diện này khi sang đây thường chẳng có tiền dự phòng vì nghĩ đi làm được ngay. Cho nên chuyện ăn cắp, làm việc xấu để kiếm sống tất yếu xảy ra. Thành phố có tấm biển trên là thành phố Omya – tỉnh Saitama”, độc giả Ly Lan chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, một số độc giả lại cho rằng, thói trộm cắp của người Việt đã “ăn vào máu”, không chỉ người nghèo mà ngay cả những người giàu cũng có thói này.

“Đất nước quá nghèo khổ nên dân khốn khổ không còn nghĩ gì hơn là bất chấp liêm sỉ để “giành khả năng sống sót”. Tuy nhiên, ở không ít nước khác còn nghèo khổ hơn, tại sao dân không mang tiếng? Có phải vì người nghèo khó ở những đất nước gia kia có văn hóa hơn và biết chăm lo cho thể diện quốc gia hơn người Việt. Xét về quy luật sinh tồn thì có vẻ không hợp lý.

Nhưng có lẽ bởi người Việt đã tự sinh ra văn hóa của mình trong ứng xử với nhau. Ở đây những người có cơ may hơn người khác thường sắn sàng chà đạp lên đồng tộc. Đến khi những kẻ dưới đáy ngoi lên lại chà đạp lên những người như họ trước kia. Và như thế nó ăn vào huyết quản thành gien di truyền không ai cần quan tâm đến liêm sỉ, dĩ nhiên thể diện quốc gia thì lại càng quá xa vời. Xin đừng trách những người Việt ở nước ngoài. Hãy trách những người Việt đang sống với nhau ngay trong nước!”, độc giả Quốc Mạnh tiếp lời.

  • K. Minh (tổng hợp)

Leave a Reply