Chuyện tình cảm của cô nàng đồng tính lặn lội 2000km từ Nam ra Bắc để sống cùng người yêu

Quen nhau qua một trang web kết bạn của những người đồng tính nữ, Kim và Di* đã bén duyên nhau từ những lần trò chuyện qua mạng. Dù chỉ được nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính và nghe giọng trên điện thoại nhưng dường như tình yêu đã gắn kết khoảng cách giữa hai đầu đất nước. Bị gia đình ngăn cấm, Kim đã vượt hơn 2000km từ Tiền Giang ra Hà Nội để gặp và chung sống với người yêu. Sau gần một năm bên nhau, họ vẫn hạnh phúc.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”dam cuoi dong tinh ” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” ]

“Mẹ bệnh nặng lắm, con mau quay về”
Nếu mới gặp Kim (1991, quê ở Tiền Giang), ít ai nghĩ một cô gái trong thân hình nhỏ nhắn có thể trốn gia đình, lặn lội suốt 2 ngày 2 đêm trên băng ghế cứng của tàu hỏa để đến với tình yêu của mình.
Kim có khuôn mặt nam tính, mái tóc cắt ngắn, cách ăn mặc khá bụi bặm, nhưng khi cô cất giọng thì ai cũng ngạc nhiên vì chất giọng miền nam ngọt ngào và nhẹ nhàng của Kim. Kim và Di gặp nhau trên một trang web kết bạn của người đồng tính nữ vào cuối năm 2012, tò mò với những lời tự giới thiệu của Di, Kim gửi lời mời kết bạn.
Kim và Di trong những giây phút bên nhau
Ban đầu hai người chỉ nói chuyện qua mạng, sau đó dần tiến tới chia sẻ ảnh cho nhau, chat trực tiếp qua camera. Giữa đêm giao thừa năm đó, Kim ngỏ lời với Di. Phải đợi 5 ngày sau, vào đúng ngày Valentine, Kim mới nhận được câu đồng ý ngọt ngào của Di. Kim nắm tay bạn gái và cười hạnh phúc khi kể lại câu chuyện của mình.
“Lúc đầu mà yêu xa thì em cũng nghĩ nhiều lắm, yêu xa nó có nhiều bất lợi. Quen nhau một thời gian lâu rồi, khoảng 7 tháng, thì em nghĩ ‘Ừ, đủ thời gian như thế là được rồi, mình muốn ở cùng nhau’ nên em mới đi ra Hà Nội”, Kim chia sẻ những trăn trở của mình.
“Lúc em mới come-out với gia đình thì chưa trốn đi được, lúc đó em bị quản lý rất chặt. Hầu như chỉ được rời khỏi nhà khi người nhà biết mình đi đâu. Sau này thì chính xác là em ‘trốn’, vì khi đi em không dám thông báo gì, biết chắc là nếu thông báo thì sẽ bị bắt lại nhà. Lúc đi ra đây em nhắn tin về là con đang ở đâu, có khỏe không, đi làm gì. Lúc em ra đây thì ba mẹ cũng đe dọa em, chủ yếu là dùng chiến thuật bệnh tật để kêu em về. Như có lần mẹ bảo em mẹ đang nhập viện, con về gấp đi, em phải nhờ bạn em xác thực thì bạn em bảo mẹ không sao hết, mẹ vẫn đi chợ bình thường. Lúc đầu em rất là giận, vì sao lại đem chuyện bệnh tật, sinh mệnh ra để ép em như thế. Nhưng sau rồi cũng hiểu tâm lý bố mẹ, ai đến bước đường cùng thì cũng phải dùng biện pháp đó thôi. Nhưng đâm ra mình lại buồn vì không được hiểu, không được cảm thông mà bây giờ lại bắt về để… nhốt nữa. Có khi em về thì lại bị bắt cóc gả cho ai đó cũng nên”, Kim cười giòn giã khi kể lại những biện pháp thú vị mà bố mẹ đã thực hiện để bắt con gái mình về.
Kim kể chuyện một cách hài hước nhưng dường như trong giọng nói của cô vẫn chứa một nỗi xót xa bởi gia đình Kim vẫn chưa chấp nhận cô. Có nhiều người đồng tính khi come-out cũng bị gia đình phản ứng một cách tiêu cực. Có người thậm chí bị xích trong nhà, bị ép cưới vợ, lấy chồng. Có người bị ép đi khám tâm lý và chữa trị tâm thần. Nhiều người đồng tính đã không vượt qua được rào cản của gia đình. Họ chấp nhận kết hôn với người đàn ông hoặc phụ nữ mà họ không có chút tình cảm nào, dẫn theo đó là nhiều hệ lụy về hôn nhân. Có lẽ nhiều người sẽ thán phục khi lắng nghe những khó khăn mà Kim phải vượt qua chỉ để… yêu người mình yêu.
“Trước khi đi Hà Nội thì em có về nhà để xe máy lại cho bố, mẹ em nghi nghi nên tịch thu thẻ ATM của em, mà lương của em là để trong thẻ ATM hết. Cũng may mẹ quên chưa tịch thu ví và điện thoại, nên sáng hôm sau trốn đi mới có tiền đi. Lúc đó ngoài tiền vé thì em còn đúng vài trăm ngàn. Ra ngoài này thì em và Di mướn nhà trọ ở”, Kim hào hứng kể.
“Tại mặt em với mặt Di cứ hao hao nhau, nên ấn tượng của người ta đầu tiên sẽ là: Sinh đôi, cái tiếp theo là: Trai hay gái? Cái thứ ba là: Ủa đồng tính hả!”, Kim cười vang khi kể lại những kỉ niệm đáng nhớ.
“Tại thời điểm này thì em đang thất nghiệp, không đi làm nên buổi sáng đưa Di đi học, sau đó em về nhà rồi đi chợ, nấu ăn, giặt đồ, rảnh thì lau nhà rồi sau đó ngồi đọc sách hoặc nghe nhạc, rồi trưa đi đón Di về rồi hai đứa ăn cơm. Buổi chiều lại đưa Di đi học, một ngày của em và người yêu chỉ như thế thôi. Thi thoảng cuối tuần thì hai đứa đi loăng quăng với nhau. Hồi Tết em về nhà Di chơi rồi, nhưng tụi em không nói là người yêu mà chỉ nói là bạn cùng phòng thôi, cũng may chắc là mình cũng giỏi khoản nấu nướng lấy lòng nên nhà Di cũng đối xử tốt”, cô gái bụi bặm cười và nhìn người yêu với một ánh mắt dịu dàng.
Cái ôm hạnh phúc giữa dòng đời tấp nập
Những ngày gian nan ở Hà Nội
“Em sợ, em cực kì sợ”, Kim tâm sự khi nhớ lại những ngày trên tàu ra Hà Nội. “Ngặt một cái là đúng dịp em ra là đúng dịp bão, em còn đùa là có phải do mình ra Hà Nội nên nó bão hay không”, Kim cười giòn tan.
“Lúc em trên tàu thì mưa suốt dọc đường đi, có lúc mất sóng không liên lạc được với ai. Rất sợ. Đây là lần đầu tiên em đi tàu và đi xa như thế. Đi một mình, không có ai ở cạnh hết. Sợ tàu chòng trành, rơi đồ rồi mất cắp đồ, tới ga không ai đón, ra rồi mới phát hiện không hợp đối phương, ở một tuần rồi lại phải đi về. Em cảm thấy nếu chuyện đó xảy ra thật thì sẽ chịu không nổi”, giọng Kim trầm xuống khi nghĩ đến những ngày chập chững ở Hà Nội.
“Bước xuống ga rồi mưa vẫn xối ào ào lên người, một cái va li to ở phía sau, một cái va li to ở phía trước. Cảm giác rất chơi vơi. Cảm giác đứng ở một nơi mà mình không biết phải đi đâu, phải đi như thế nào. Rồi bắt taxi thì em bị chém đẹp luôn, chắc người ta nghe giọng miền nam nên chém một cái đẹp luôn. Em lên taxi mà nó bắt thêm 3 khách nữa, cùng chạy một tuyến đường mà ai nó cũng lấy150.000đ”, Kim lại bật cười khi tiếp tục câu chuyện.
Vượt 2000 cây số để được sống bên người yêu, nhưng có vẻ cuộc sống của hai người cũng không được “bình yên” khi sự kì thị có mặt ở khắp nơi. Cả khu nhà trọ đều biết Kim và Di là một đôi, đa số không tỏ thái độ thù ghét nhưng cũng có những người tỏ ra ‘quan tâm thái quá’ đến hai người.
Chuyện Kim nhớ nhất chính là chiếc giá phơi đồ của hai người bị dội nước ướt hết quần áo, trong khi quần áo của người khác không bị dính “miếng” nước nào. Có lần hai người mang tờ giấy “Tôi đồng ý” về dán tại cửa phòng, không biết có ai ghi trên đó từ “Love – F***” (một từ dung tục), Kim liền bảo Di lấy bút mực ra, ghi đè lên trên là “Love – Human” (Tình yêu – Con người). Sau hai vụ đó Di bực quá, mới viết một bản “cáo thị” dán ở phía trên, đại ý là “có muốn nói gì nói thẳng mặt, đừng có viết mấy chữ đó”.
“Cuộc sống ở Hà Nội thì khó hơn hồi em ở Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù trong đó cũng khó. Thời gian trước thì em có đi xin việc ở mấy chỗ, chỉ có một cửa hàng đông lạnh nhận em. Sau đó chắc chủ người ta cũng có cái nhìn không đúng về người đồng tính nên họ tìm cách cho em nghỉ. Em cứ phải đi xin đi xin chỗ này chỗ kia, chỗ nào nó cũng cho làm một thời gian rồi nó lại cho nghỉ”, Kim chia sẻ.
Di an ủi Kim khi bị từ chối nhận vào làm
Với ngoại hình khá nam tính, mái tóc tém, ăn mặc bụi bặm, thể hiện mạnh mẽ, Kim gặp nhiều khó khăn khi tìm một công việc phù hợp ở Hà Nội. Dù Kim đã tốt nghiệp ngành Dược ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Kim vẫn phải làm những công việc không đúng với chuyên ngành như… trông kho hàng đông lạnh. Có bằng cấp, có kinh nghiệm làm việc, chăm chỉ và nhiệt tình; Kim vẫn bị cho nghỉ việc chỉ bởi thể hiện giới của Kim không giống như những cô gái khác. Sau nhiều lần bị cho nghỉ việc, Kim vẫn kiên trì đi tìm một công việc mà ở đó người ta không kì thị cô vì bề ngoài hoặc vì xu hướng tính dục của cô nữa. Hẳn sẽ có nhiều người nghĩ Kim “không bình thường” khi bỏ công việc ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh, trốn gia đình để ra Hà Nội và sống một cuộc sống bấp bênh. Nhưng nếu nhìn nụ cười của Kim và Di khi ở bên nhau, nhìn cách Di an ủi Kim khi “lại” xin việc không thành, có lẽ họ sẽ hiểu tại sao Kim lại làm vậy.
Nói về dự định của mình, Kim chia sẻ: “Tương lai thì em định sẽ tìm một công việc ổn định hơn, đi làm, rồi ở cùng Di cho đến lúc Di học xong thì tụi em quay lại thành phố Hồ Chí Minh. Bố mẹ em cũng biết rồi, còn đang phản đối thôi, em chỉ thuyết phục theo cách mưa dầm thấm lâu. Em đã tạo một cú sốc là nói con chỉ yêu con gái, không thể yêu con trai được nó đã sốc rồi. Bố mẹ chỉ hơi dịu dịu đi thôi chứ vẫn chưa chịu hẳn, mà giờ đúp (douple) thêm cú nữa thì em sợ bố mẹ em chịu không nổi”, Kim làm cả nhóm bạn bè ngồi cùng bật cười vì cách nói hài hước.
“Người yêu em có một cái tật là khi mệt hoặc bực rất hay gắt, cái chuyện đó ở với nhau lâu em cũng quen rồi thì không sao, nhưng thỉnh thoảng mình cũng đang mệt, quay ra cà khịa là ăn “bom” ngay. Em chỉ muốn nhắn đến người yêu em là lần sau có gây nhau cái gì hay có giận nhau cái gì thì cứ phải nói với nhau, chia sẻ với nhau thì nó sẽ dịu xuống, đừng có bùm bụp bùm bụp ném đồ nữa”. Kim gửi lời nhắn nhủ hết sức dễ thương đến bạn gái mình.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
“Nếu như xã hội hiểu và chấp nhận được tụi em thì là điều tuyệt vời. Nhưng em hy vọng nếu xã hội chưa hiểu, chưa chấp nhận thì cũng cho chúng em một cơ hội, lắng nghe chúng em, để chúng em có cơ hội chứng minh rằng tôi cũng như mọi người, tôi cũng muốn được sống hạnh phúc”, Di chia sẻ.
Kim và Di là một cặp đôi đồng tính nữ trẻ ở Hà Nội. Hiện hai bạn đang cùng tham gia một dự án ảnh về những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) do Cloud Studio thực hiện. Những bức ảnh về câu chuyện của hai bạn sẽ được trưng bày ở lễ hội Tôn vinh sự đa dạngASIAN PRIDE vào ngày 24.05.2014.
Come-out: Thuật ngữ chỉ việc một người đồng tính tiết lộ, công nhận xu hướng tính dục của mình với người khác.
LGBT: Lesbian – người đồng tính nữ, Gay – người đồng tính nam, Bisexual – người song tính, Transexual – người chuyển giới.
“Tôi đồng ý”: là một chiến dịch do các nhóm, tổ chức và cá nhân ủng hộ Hôn nhân cùng giới cùng thực hiện. Chiến dịch được thực hiện từ 13 đến 27 tháng 10 với sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng mạng nhằm kêu gọi tất cả mọi người cùng ủng hộ Hôn nhân cùng giới.
Sự kiện ngày hội Tôi Đồng Ý do Nhóm hoạt động đa dạng tính dục 6+,Trung tâm ICS và Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường iSEE tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/10/2013.
Vương Nguyên – Tiểu Lâm

Leave a Reply