Bữa ăn của gia đình đầu bếp Việt nổi tiếng ở Mỹ

Charles Phan đứng trong căn bếp nhà anh, trước chiếc bếp gas đang bốc lửa vàng ngùn ngụt, tay cầm chiếc chảo, xoay, lật, hứng liên tiếp điệu nghệ.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Slanted Door” resultsPerPage=”10″ orderBy=”relevance” theme=”phim” ]

Charles Phan thích nấu ăn với chảo lửa nghi ngút như thế này. Ảnh: NY Times

Charles Phan, 50 tuổi, là đầu bếp nổi tiếng kiêm ông chủ của Slanted Door, một nhà hàng nằm trên bến tàu Embarcadero, thành phố San Francisco, Mỹ, chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam. Quyển sách mà anh vừa ra mắt năm ngoái có tên “Vietnamese Home Cooking” nằm trong danh sách những cuốn hay nhất năm 2012 của nhiều nhà phê bình.

Nhưng hôm nay, anh trở về với vai trò đầu bếp thực thụ tại nhà của mình. Diện quần jeans, áo phông, anh đang nấu bữa tối cho gia đình.

Đứng bên cạnh, mẹ anh, bà Quyen Tran, đang dùng dao hớt từng chiếc bánh bèo từ khuôn ra đĩa. Bà cẩn thận sắp từng chiếc bánh lên mặt đĩa, rắc tôm khô xay, chả thái nhỏ và mỡ trộn hành khô lên trên. Bánh bèo là món ăn yêu thích của ba đứa con nhà anh Phan.

Những ngày này Phan rất bận rộn. Anh liên tục chạy từ chỗ này sang chỗ kia để quản lý 6 nhà hàng Việt Nam thành công. “Nhưng khi tôi về nhà, tôi vẫn nấu ăn”, anh nói.

Phan đến Mỹ năm 1977, khi đó anh mới 15 tuổi, lớn nhất trong số 6 anh chị em trong nhà. Năm 2004, anh từng giành giải Đầu bếp Giỏi nhất của Quỹ James Beard, giải thưởng được xem là “Oscars của Ẩm thực” Mỹ. Gia đình hiện sống ở căn hộ ngay phía trên nhà hàng Out the Door của anh tại khu Pacific Heights.

Bà Quyen Tran đang chuẩn bị món bánh bèo. Ảnh: NY Times

Những món ăn Việt mà anh làm cho con và những món anh học được từ mẹ cũng có mặt trong cuốn sách mới của anh. Cuốn sách tập trung giải thích những kỹ thuật nấu nướng của Việt Nam và hướng dẫn nấu các món ăn Việt tại nhà.

Bữa ăn của gia đình anh cuốn hút người phương Tây bởi tính châu Á rõ nét, với những chiếc bát nhỏ đựng cơm và ít nhất ba món kho, xào hoặc luộc.

Khi Phan bắt đầu nấu mực với cà chua và củ cải, anh lắc mạnh chảo. “Phải lắc thế này chảo mới thực sự nóng. Không thể cho quá nhiều đồ vào chảo được”, anh nói.

Trong khi Phan chặt gà, Angkana Kurutach, vợ anh, xới cơm từ nồi ra bát.

“Tôi thích om cả rau và thịt”, anh nói khi đổ một rổ măng vào chảo thứ hai đầy nước, cho sẵn gà luộc. Với món này, anh dùng gà mua ở một nông dân Trung Quốc trong vùng.

“Gà này chắc hơn loại gà bán ở chợ Berkeley”, anh nói. Anh chặt hết cả con gà chứ không chỉ dùng những phần không xương như khi phục vụ ở nhà hàng.

Khi các món ăn đã sẵn sàng, Nati, 14 tuổi, Panu, 12 tuổi và Pana, 11 tuổi, lần lượt vào bếp, ngồi xuống bàn ăn mà bố và bà đã chuẩn bị. Cả nhà cùng ăn bữa tối ở một chiếc bàn bóng bàn lớn.

“Chúng tôi đến trang trại dành cho gia đình vào mùa hè để chơi bóng bàn”, vợ anh giải thích, nhắc đến trại Mather của thành phố San Francisco. “Khi về nhà, chúng tôi cũng muốn luyện tập. Tâng bóng bàn rất khó đấy. Giữ quả bóng ở trên mặt vợt thì dễ hơn”.

Cả nhà anh Phan cùng thưởng thức bữa tối với các món ăn Việt Nam. Ảnh: Ny Tịmes

Khi cả nhà vẫn còn đang ăn, bà Quyen lặng lẽ gọt hoa quả để làm món tráng miệng.

Bất cứ khi nào bọn trẻ đòi ăn đồ ăn Mỹ, anh Phan sẽ dẫn các con ra ngoài ăn tối hoặc làm mỳ ống tại nhà với những hương vị phương Tây được anh xếp riêng trên kệ, tách biệt với các gia vị Việt Nam.

Mỗi mùa hè, sau một tuần nghỉ ngơi ở trại, điều đầu tiên mà cả nhà anh Phan muốn làm là ăn cùng nhau một bữa ăn Việt Nam.

Nhân Mã (theo NY Times)

Leave a Reply