Bị “bủa vây tứ phía”, Trung Quốc tìm đến với Nga?

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc – ông Tập Cập Bình được cho là sẽ chọn thủ đô Moscow là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên của ông này sau khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch nước từ tay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào vào tháng 3 tới. Việc ông Tập Cận Bình chọn Nga được cho là nỗ lực của ông này nhằm phá thế bao vây mà Mỹ đang dần thắt chặt xung quanh Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ đến thăm Nga trong tháng 3 tới.

Khép chặt vòng vây

Từ cuối năm 2011, Washington đã khiến Bắc Kinh lo lắng đến “phát sốt” khi công khai thể hiện ý định quay trở lại tìm kiếm vị trí bá chủ Châu Á – một khu vực mà Bắc Kinh tự coi là “sân sau” của họ. Mối quan ngại của Trung Quốc ngày càng tăng lên khi ý định của Mỹ được thể hiện ngày một rõ hơn qua những bước đi, động thái dồn dập trên cả mặt trận ngoại giao và quân sự ở Châu Á trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong một năm trở lại đây.

Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ liên minh gắn bó chặt chẽ với một loạt nước Châu Á xung quanh Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines, Australia và Thái Lan. Trong năm qua và những ngày đầu năm 2013, người ta liên tục chứng kiến các chuyến thăm qua lại giữa quan chức cấp cao Mỹ và các nước đồng minh Châu Á với mục tiêu cao nhất là thắt chặt quan hệ song phương giữa cường quốc số 1 thế giới với các nước Châu Á. Giới lãnh đạo ở Washington cũng không ngần ngại thể hiện sự ủng hộ đối với các vấn đề liên quan đến những nước đồng minh Châu Á của họ.

Trong cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, các quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần trực tiếp công khai hoặc gián tiếp ám chỉ việc họ đứng về phía Tokyo. Ở Biển Đông, dù tuyên bố giữ lập trường trung lập nhưng Mỹ đã có nhiều động thái nhằm giúp đỡ Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Ngoài thắt chặt các mối quan hệ liên minh gắn bó trong khu vực, Mỹ còn tăng cường phát triển quan hệ với những nước khác như New Zealand, Indonesia, Singapore…. Trong một động thái khiến Trung Quốc không thể không “giật mình”, Washington hồi năm ngoái đã bắt đầu cải thiện quan hệ với Myamar – nước láng giềng sát nách, có vị trí chiến lược với Trung Quốc. Myanmar cũng là đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc trong thời gian nước này phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Washington cũng không quên củng cố quan hệ hợp tác với Ấn Độ – nước được xem có thể trở thành đối thủ ngang tài ngang sức với Trung Quốc trong khu vực Châu Á. Washington và New Delhi được cho là đều chia sẻ mối quan ngại chung về một Trung Quốc đang nổi lên.

Trên mặt trận quân sự, Mỹ đẩy mạnh kế hoạch triển khai binh lính và tàu chiến đi khắp Châu Á song song với việc tổ chức hàng loạt các cuộc tập trận quân sự chung trong khu vực. Mỹ tìm cách phát triển, củng cố quan hệ hợp tác quân sự với các nước để từ đó tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở những khu vực xung quanh Trung Quốc.

Năm ngoái, Mỹ đã bắt đầu đưa lính thủy đánh bộ đến Australia theo một thỏa thuận mà hai nước này đã đạt được hồi cuối năm 2011. Khoảng 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đã đến cảng nhiệt đới Darwin của Australia, cách Indonesia khoảng 800km. Đây là đợt triển khai quân đầu tiên trong số 2.500 binh lính được cử đến Australia. Cùng với hàng nghìn binh lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Australia giúp cường quốc số 1 thế giới có thêm sức mạnh, có thể phản ứng nhanh với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Châu Á.

Năm ngoái còn có tin Mỹ đang có kế hoạch “ém” quân tại căn cứ hải quân U-Tapao của Thái Lan đồng thời đưa quân quay trở lại căn cứ hải quân ở Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark của Philippines.

Song song với các bước đi trên, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Nhật Bản, Philippines và kể cả Singapore. Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch triển khai ở Châu Á 3 phi đội máy bay chiến đấu tối tân F-22 – một loại chiến đấu cơ thiện chiến được cho là không thể thiếu khi đối đầu với Trung Quốc. Hải quân Mỹ còn đưa 4 tàu chiến vũ trang hạng nhẹ loại mới đến Singapore và dự kiến triển khai tàu chiến đến cả New Zealand.

Ngoài ra, trong thời gian qua, người dân Châu Á cũng liên tiếp chứng kiến các cuộc tập trận song phương và đa phương giữa Mỹ với các nước trong khu vực như cuộc tập trận Hổ Mang vàng giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á, tập trận Cope North giữa Mỹ-Australia-Nhật Bản hay các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật, Mỹ-Philippines… Tất cả những cuộc tập trận kiểu như này đều được cho là lời cảnh báo của Mỹ gửi đến Trung Quốc.

Bắc Kinh tin rằng, tất cả những động thái ngoại giao, quân sự dồn dập và cấp tập ở trên đều nằm trong ý đồ thắt chặt vòng kiềm tỏa, bủa vây xung quanh nước này của Mỹ.

Bắc Kinh tìm đến Nga?

Trong thế bị “bủa vây tứ phía”, giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là đang tìm đến với Nga – một cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu thế giới, để tìm cách đối phó với Mỹ. Đây được cho là lý do ông Tập Cận Bình – người được dự đoán sẽ tiếp nhận cương vị Chủ tịch nước từ tay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào vào tháng 3 tới, chọn Nga là điểm đến đầu tiên.

Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng lựa chọn Nga trong chuyến công du đầu tiên sau khi lên nắm quyền ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyến công du đến Moscow sắp tới của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi nó diễn ra đúng thời điểm Bắc Kinh đang cố tìm cách đáp trả chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của chính quyền Tổng thống Obama. Trung Quốc tin rằng, chiến lược này chủ yếu là nhằm kiềm chế họ.

Bằng cách lựa chọn Nga, ông Tập Cận Bình muốn thể hiện với thế giới mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga. Thông qua đó, ông Tập Cận Bình cũng muốn cho Mỹ thấy, sức mạnh của Trung Quốc kết hợp với một cường quốc lớn như Nga sẽ khó đối phó như thế nào.

Nga và Trung Quốc chia sẻ khá nhiều điểm chung nên hai nước này trên thực tế là rất dễ tìm đến với nhau. Cả hai đều có những mâu thuẫn khó có thể giải quyết với Mỹ. Nếu như Nga đối đầu với Mỹ về vấn đề lá chắn tên lửa, nhân quyền thì Trung Quốc đối đầu với Mỹ về một loạt vấn đề từ kinh tế, Đài Loan, nhân quyền đến tranh giành ảnh hưởng ở Châu Á.

Lập trường của Moscow và Bắc Kinh trên cấp độ toàn cầu về cơ bản cũng gần như là giống hệt nhau. Điều đó được thể hiện trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran và cả cuộc khủng hoảng ở đất nước Syria hiện nay.

Nga và Trung Quốc hiểu rằng họ cần nhau để đối trọng với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Cả hai kết hợp với nhau sẽ tạo thành sức mạnh mà phương Tây không thể phớt lờ. Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ các lợi ích then chốt của Moscow ở Trung Đông. Vì thế, Bắc Kinh cũng mong đợi sự đáp lễ từ phía Nga trong các vấn đề như Triều Tiên và giờ đây là cả cuộc tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Kiệt Linh

Leave a Reply